Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ đà tiến đầu xuân

Hoàng Ngân| 06/02/2020 07:03

(HNMCT) - Trước thềm xuân Canh Tý, cũng trên chuyên mục này, Hànộimới Cuối tuần có bài viết nhan đề Phép thử đầu tiên, qua đó nêu vấn đề cơ quan chức năng cần kiên quyết thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Mong muốn là phải làm sao để kỷ cương được duy trì nghiêm ngay cả trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán - khoảng thời gian mà cả phía giám sát việc thực hiện luật và người có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp đều dễ có hành vi cẩu thả, thái độ công vụ dễ dãi, nể nang, làm ảnh hưởng tới tính nghiêm minh của pháp luật cũng như tinh thần thượng tôn luật pháp vốn rất cần được phát huy ở mọi nơi, mọi lúc.

Nỗi băn khoăn nói trên phần nào được giải tỏa bởi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 kéo dài 7 ngày, nhận định chung của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy tình hình trật tự an toàn giao thông về cơ bản được bảo đảm tốt, số vụ tai nạn giao thông liên quan tới nồng độ cồn “giảm sâu so với các năm trước”.

Số liệu được công bố trong những ngày nghỉ Tết cho thấy cơ quan chức năng đã không lơ là nhiệm vụ, giám sát chặt chẽ việc thực hiện luật pháp và các văn bản dưới luật liên quan: Trong buổi sáng ngày 30 Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc phát hiện và xử lý vi phạm đối với gần 320 trường hợp điều khiển phương tiện ô tô, xe máy sau khi đã sử dụng rượu bia. Còn trong ngày mùng 1 Tết, số vi phạm quy định về an toàn giao thông liên quan tới nồng độ cồn và bị xử lý hành chính là gần 400 trường hợp... “Phép thử đầu năm”, vì thế, có thể nói đã cho kết quả khá tích cực - đặc biệt khi xét theo hướng duy trì kỷ cương và tính nghiêm minh của luật pháp.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng số liệu về những trường hợp bị xử lý trong dịp nghỉ Tết vừa qua chỉ phản ánh một phần thành công. Điều quan trọng hơn cả là kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cũng như Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực, đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nói chung đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức liên quan tới tác hại của việc sử dụng rượu bia đối với đời sống nói chung và an toàn giao thông nói riêng. Bằng chứng là trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác, tâm lý phổ biến ở những người có việc phải sử dụng phương tiện giao thông cá nhân là hạn chế tối đa hoặc “nói không” với rượu bia. Sau Tết, những buổi họp mặt đầu năm mới không còn “bừng bừng khí thế”, không tiêu tốn quá nhiều thời gian như trước mà gọn nhẹ, văn minh.

Trên trang tìm kiếm thông tin Google, “phạt nồng độ cồn” là từ khóa xếp ở vị trí thứ 2 trong nhóm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán 2020, cho thấy sức lan tỏa của Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ trong đời sống lớn tới mức nào. Vì lợi ích của chính mình, rất nhiều người tìm hiểu kỹ về mức phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm, cảm thấy cần phải điều chỉnh hành vi, điều chỉnh thói quen sử dụng rượu bia tràn lan trong dịp Tết như thường thấy trước đây.

Nghị định 100/NĐ-CP không chỉ có các điều khoản liên quan tới nồng độ cồn, mà còn quy định chi tiết mức phạt hành chính khi người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về sử dụng đèn tín hiệu, tốc độ lưu thông, đi vào đường ngược chiều... Bởi thế, kết quả đáng khích lệ và đà tiến bộ đầu xuân Canh Tý nói trên không chỉ cho bài học kinh nghiệm bổ ích về bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe gắn với hạn chế sử dụng rượu bia, mà là bài học chung về tuân thủ các quy định của luật pháp. Bài học đó cho thấy, muốn các luật, văn bản dưới luật đi vào đời sống, thu được hiệu quả thiết thực thì cần phải đồng thời thực hiện tốt hai nhiệm vụ chính: Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, qua đó mỗi người tự thấy trách nhiệm nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật vì quyền lợi cá nhân và toàn xã hội; giám sát chặt chẽ việc thực hiện luật pháp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm duy trì kỷ cương phép nước. Hai nhiệm vụ đó cần được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất quán, tránh hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột” hoặc lạm dụng công vụ để mưu cầu lợi riêng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ đà tiến đầu xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.