Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ ca bệnh Covid-19 thứ 714: Không còn chỗ cho sự lơ là, chủ quan

Bảo Hân| 07/08/2020 14:50

(HNMO) - Lịch trình di chuyển dày đặc của bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thứ 714 (nam, 42 tuổi ở phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhân viên điều hành xe buýt của Xí nghiệp Xe buýt 10-10) khiến cộng đồng “phát hoảng” bởi sự chủ quan, xem nhẹ của người bệnh. Đáng lo ngại hơn, sự chủ quan trong ứng phó với dịch bệnh xuất hiện ngay trong quy trình khám, chữa bệnh, giám sát bệnh nhân tại một số cơ sở y tế và vẫn dễ bắt gặp trong cộng đồng.

Phong tỏa khu vực bệnh nhân 714 sinh sống.

19 ngày mang vi rút “tung hoành” nhiều nơi

Trở về từ thành phố Đà Nẵng sau chuyến du lịch kéo dài từ ngày 14 đến 17-7, bệnh nhân 714 đã có 19 ngày đi lại, với các hoạt động dày đặc trong cộng đồng trên địa bàn 4 quận là Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) và 2 địa phương khác là Nam Định, Thái Bình.  

Việc bệnh nhân đến cơ quan làm việc, tiếp xúc với nhiều người qua công việc, trong các hoạt động gặp gỡ, ăn uống, hát karaoke hay đưa đón người thân… diễn ra trước ngày 25-7, khi ca mắc Covid-19 thứ 416 tại Đà Nẵng được công bố, đều là những sinh hoạt mang tính cá nhân. Tuy nhiên, kể từ ngày 26-7, khi bệnh nhân khai báo y tế tại Hà Nội, thực hiện đeo khẩu trang, tức là đã có ý thức về khả năng mình có thể trở thành một ca lây nhiễm, thì bệnh nhân lại không thực hiện nghiêm túc các quy định tự cách ly. Bệnh nhân tiếp tục có 10 ngày di chuyển trong cộng đồng, đến thăm khám tại 3 cơ sở y tế với nhiều biểu hiện của bệnh.

Cụ thể, bệnh nhân có biểu hiện bệnh sớm (từ 19-7) với sốt nhẹ, viêm họng, tự uống thuốc tại nhà nhưng không đi khám tại đâu. Chín ngày sau, các triệu chứng không đỡ, bệnh nhân tiếp tục sốt, đau rát họng nên đã đến Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an (278 Lương Thế Vinh, Trung Văn, Nam Từ Liêm) để khám.

Từ ngày 3 đến 4-8, bệnh nhân đến các bệnh viện khác là Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an (tại Trung Văn, Nam Từ Liêm), Bệnh viện đa khoa Hà Đông rồi sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương 2 để được xét nghiệm, cách ly. Ngày 5-8, bệnh nhân chính thức có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sự di chuyển phức tạp của bệnh nhân trong cộng đồng suốt gần 20 ngày cho thấy ngoài sự chủ quan của chính người bệnh, còn có sự lỏng lẻo trong giám sát của các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị y tế, cũng như nơi bệnh nhân công tác.

Trước yếu tố dịch tễ của bệnh nhân có liên quan đến Đà Nẵng, nếu ngay từ việc thăm khám bệnh ban đầu, bệnh nhân được hướng dẫn cụ thể về quy trình khám bệnh hoặc được quản lý chặt chẽ thì đã không tạo ra lịch trình di chuyển phức tạp, dày đặc, tiếp xúc với số lượng lớn người đến vậy. Ngoài ra, đơn vị nơi bệnh nhân này làm việc, nếu tuân thủ nghiêm các quy tắc trong phòng, chống dịch đã được thành phố quán triệt kỹ càng, đầy đủ thì đã có thể yêu cầu, cùng tham gia giám sát bệnh nhân tự cách ly, có biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị ngay sau khi có ca mắc Covid-19 trở lại trong cộng đồng.

Sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân, đơn vị cũng như quy trình thăm khám bệnh khi dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp được bộc lộ rõ qua lịch sử dịch tễ của bệnh nhân 714 là nguyên nhân khiến có tới hơn 200 người liên quan, trong đó có ít nhất 64 người tiếp xúc gần phải cách ly tập trung, trong đó nhiều người là cán bộ y tế. Số người có liên quan đến bệnh nhân được dự báo còn chưa dừng lại.

Chấm dứt chủ quan để thực hiện nghiêm phòng, chống dịch

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện tất cả các trường hợp F1 liên quan tới ca bệnh 714 đã được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao (quận Nam Từ Liêm).

Bên cạnh thông tin tích cực đó, theo lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm, nơi bệnh nhân 714 cư trú, một cá nhân, vốn làm việc tại một bệnh viện ở Hà Nội, sinh sống cùng tòa nhà với bệnh nhân, đi làm về lúc 5h30 ngày 6-8 đã không phối hợp khai báo y tế và bỏ trốn khỏi khu vực cách ly. Hiện, quận Bắc Từ Liêm đang tìm mọi cách liên lạc để yêu cầu người này trở về thực hiện cách ly. Hành động trốn tránh cách ly của cá nhân này cũng đang khiến dư luận bất bình, lên án.  

Sự chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng vẫn phổ biến.

Từ những “lỗ hổng” trong ý thức của một vài cá nhân đến sự giám sát có phần lỏng lẻo của cộng đồng và những cơ quan liên quan cho thấy, việc tuân thủ các quy định cách ly đối với người từ Đà Nẵng về Hà Nội những ngày qua cũng như việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới của người dân Hà Nội chưa thật sự nghiêm túc, chặt chẽ. Cứ mỗi một ca bệnh có lịch trình đi lại phức tạp xuất hiện, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng sẽ tăng theo cấp số nhân và công cuộc chống dịch của thành phố sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách không đáng có.  

Từ ngày 27-7 đến nay, Hà Nội đã khẩn trương kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương, đơn vị; thực hiện hàng loạt biện pháp cấp thiết như rà soát hơn 96.000 người về từ vùng dịch Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và tiến hành xét nghiệm nhanh để đánh giá nguy cơ; truy tìm, xét nghiệm những trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca bệnh đã được công bố; siết lại một số hoạt động của quán bar, karaoke và hàng quán vỉa hè; yêu cầu đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng… Tuy nhiên, tất cả những công việc “tốn công, tốn của” này sẽ “đổ sông, đổ bể” nếu vẫn còn những cá nhân, đơn vị chủ quan, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh.

Ghi nhanh của Báo Hànộimới suốt những ngày qua cho thấy, việc thực hiện phòng dịch theo yêu cầu mới trên địa bàn thành phố chưa thực sự nghiêm túc. Các hàng quán vỉa hè, quán trà đá chưa có dấu hiệu giảm hoạt động kinh doanh, nhiều quán ăn lơ là phòng dịch. Hình ảnh người dân không đeo khẩu trang, vô tư tụ tập nơi đông người dễ bắt gặp ở nhiều nơi...

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố và lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chiều ngày 6-8, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh, trong đợt thứ ba này, công tác phòng, chống dịch sẽ khó khăn hơn trước, tốc độ lây lan nhanh hơn, đã xuất hiện những bệnh nhân mới trong cộng đồng, trong đó có trường hợp có lịch trình di chuyển phức tạp, gây khó khăn cho quá trình truy vết.

Tuy nhiên, vừa qua, đã xuất hiện hiện tượng lơ là, chủ quan nên trong thời gian tới cần phải tuyên truyền để người dân bình tĩnh, không hoang mang, nhưng cũng không chủ quan trong phòng, chống dịch, hợp tác chặt chẽ với chính quyền và các lực lượng chức năng.

Sự hợp tác của mỗi người dân, sự đồng lòng, thống nhất hành động của cả hệ thống phòng chống dịch từ thành phố tới cơ sở là "vũ khí" giúp Hà Nội chiến thắng dịch bệnh trong suốt thời gian qua. Mỗi người dân Thủ đô cần tiếp tục duy trì tinh thần cảnh giác cao độ, thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tiếp tục là thứ “vũ khí” quan trọng nhất, góp sức cùng cả thành phố sớm dập “làn sóng” dịch mới. Đặc biệt, trong điều kiện trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế Thủ đô có hạn, việc phát hiện, khoanh vùng dịch nhanh, tránh nguy cơ lây lan trong cộng đồng càng có ý nghĩa  hơn khi nào hết để ngăn chặn sự bùng phát của đợt dịch này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ ca bệnh Covid-19 thứ 714: Không còn chỗ cho sự lơ là, chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.