(HNM) - Với những giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục, kiến trúc có một không hai, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân Thủ đô và du khách.
Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của di tích, một số hạng mục tiêu biểu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ được tu bổ, chỉnh trang, chống xuống cấp trong thời gian tới. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về "tương lai" của di tích, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
- Khi Luật Thủ đô được thông qua, Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành hình ảnh biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, bà đã chia sẻ với độc giả Báo Hànộimới về một số bộ phận của Khuê Văn Các bị xuống cấp, cần được tu sửa. Trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các sẽ được tu sửa như thế nào, thưa bà?
- Nếu quan sát kỹ, du khách sẽ thấy màu sơn thiếp của Khuê Văn Các đã bị phai, một số gạch nền bị vênh, lan can bị mọt, các đầu đao bị nứt, một số viên ngói bị vỡ… Thành phố Hà Nội đã có chủ trương tu bổ ngay sau khi Khuê Văn Các trở thành hình ảnh biểu tượng của Thủ đô. Sau nhiều lần xin ý kiến của các nhà khoa học, dự án tu bổ Khuê Văn Các đã hoàn thiện, đang chờ Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho ý kiến thỏa thuận.
Khuê Văn Các - hình ảnh biểu tượng của Thủ đô Hà Nội sẽ được tu bổ trong thời gian tới trên cơ sở giữ tối đa nguyên gốc. Ảnh: Bảo Kha |
Theo phương án đề xuất, nền gạch Bát Tràng tại Khuê Văn Các sẽ được tu sửa, viên nào nứt thì thay. Bệ đá phía trước, bệ gạch phía sau cũng phải xây lại; 4 trụ bằng xi măng sẽ được đục, bóc vữa để trát lại. Với ngói lợp, mảng diềm, sàn gỗ và lan can con tiện, chỗ nào hỏng sẽ được thay thế theo nguyên mẫu. Những bộ phận hư hại bị thay thế sẽ được lưu giữ, tương lai có thể để trong bảo tàng. Song song với việc tu sửa, chúng tôi dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống điện bên trong Khuê Văn Các theo công nghệ Italia, sao cho vừa tiết kiệm điện, vừa không ảnh hưởng tới cấu kiện gỗ. Điện sẽ được lắp đặt ở phần thân, phần cửa tròn và phần mái của Khuê Văn Các để có thể sử dụng linh hoạt. Điện ở phần mái có thể được bật từ 18 đến 21h hằng ngày.
Trong quá trình tu sửa Khuê Văn Các, chúng tôi sẽ làm nhà bao che để không ảnh hưởng đến việc tham quan của khách du lịch. Hình ảnh Khuê Văn Các sẽ được phóng to, treo bên ngoài nhà bao che để du khách có thể hình dung về biểu tượng của Thủ đô. Việc tu sửa sẽ được tiến hành cẩn trọng, tỉ mỉ, giữ tối đa yếu tố gốc và có hội đồng khoa học theo dõi, giám sát thường xuyên.
- Thưa bà, phương án bảo vệ 82 bia đá Tiến sĩ bằng cột inox chăng dây đỏ, dẫu chỉ là giải pháp tạm thời nhưng đã áp dụng nhiều năm, tác dụng không được như mong muốn. Tình trạng này sẽ được khắc phục thế nào, khối di sản sẽ được khai thác, phát huy giá trị ra sao?
- 82 bia đá Tiến sĩ là Di sản Tư liệu thế giới nhưng cũng là một trong số di tích thành phần của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên mọi phương án bảo vệ, phát huy giá trị đều phải hài hòa với không gian, cảnh quan. Nhiều phương án bảo vệ 82 bia đá đã được đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp tối ưu. Trong Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị 82 bia Tiến sĩ - Di sản Tư liệu thế giới”, chúng tôi dự kiến thực hiện 3 nội dung chính. Một là, khai thác thông tin trên bia theo hướng tiến hành số hóa, lưu dập thác bản, chụp ảnh toàn bộ hoa văn, chữ khắc trên bia, đồng thời tìm hiểu sâu hơn về các khoa thi, thân thế, sự nghiệp của những người có tên trên bia… Hai là, bảo tồn 82 bia Tiến sĩ bằng cách thí điểm phương án loại bỏ nấm mốc, rêu, khắc phục những chỗ bị sứt mẻ trên một vài tấm bia, nếu khả thi sẽ làm tổng thể. Đối với nhà che bia, những chỗ bị mối mọt sẽ được khắc phục, thay thế, đồng thời lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng. Nội dung thứ 3 là thay thế hàng rào bảo vệ bia. Nhiều phương án được đưa ra (nhà kính, lan can gỗ, lan can đá…), trong đó phương án dùng lan can gỗ có vẻ hợp lý hơn cả. Trước mắt, Trung tâm sẽ trình Sở VH,TT&DL Hà Nội một số phương án về lan can gỗ, có thể là lan can con tiện, vẫn bằng gỗ nhưng có chạm hoa văn phù hợp. Hàng rào bảo vệ này có thể di chuyển khi cần thiết. Dự kiến, các nội dung của đề án sẽ được triển khai từ năm 2014.
- Ngoài công tác tu bổ, tôn tạo di tích thì phương án loại bỏ những hình ảnh chưa đẹp mắt bên trong di tích cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đến nay, Trung tâm đã có phương án nào mới nào chưa, thưa bà?
- Chúng tôi chỉ được giao quản lý bên trong khuôn viên di tích. Với chức năng nhiệm vụ của mình, từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ thay đổi toàn hệ thống bảng, biển thông báo theo mẫu thống nhất; tiếp tục nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh, tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về di tích… Đối với những hành vi phản cảm như xoa đầu rùa, thả tiền lên mình rùa, viết vẽ lên hiện vật thì điều quan trọng là vận động, tuyên truyền để người dân, du khách có hành vi ứng xử đúng…
Đối với dịch vụ phía bên ngoài di tích do phường Quốc Tử Giám - quận Đống Đa quản lý. Thời gian qua, nhờ tăng cường biện pháp bảo vệ, giải tỏa ách tắc nên hè phố, đường vào di tích đã thông thoáng hơn, hàng rong ít xuất hiện.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.