(HNM) - Truyền hình qua mạng internet (còn gọi là truyền hình OTT) được coi là xu hướng phát triển tất yếu, sẽ đe dọa sự phát triển của truyền hình truyền thống trong tương lai.
Khác với truyền hình truyền thống, lịch phát sóng với nội dung chương trình là cố định; nhưng với truyền hình OTT, người dùng có thể tùy chọn nội dung, thời gian xem theo nhu cầu. Do vậy, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, truyền hình OTT được coi là phát triển tất yếu, nhất là lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng tăng.
Tại Việt Nam, truyền hình OTT được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước thử nghiệm từ năm 2013, bắt đầu bằng “nhà đài” VTC. Đến năm 2016 thì “nở rộ” với hàng loạt nhà cung cấp đồng loạt đưa ra thử nghiệm các gói truyền hình OTT và đến cuối năm 2016, cơ quan quản lý nhà nước chính thức cấp phép cung cấp dịch vụ (hiện có 16/34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền được cấp phép). Đến đầu năm 2017, sau thời gian thử nghiệm, các "nhà đài" trong nước đã bắt đầu thu phí người dùng. Đi đầu là “nhà đài” K+, tiếp đó là SCTV, VTVCab áp dụng thu phí với các mức giá khác nhau; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác như VTC, VNPT Technology, FPT, Viettel cũng thu phí truyền hình OTT với người dùng. Cùng với đó, truyền hình OTT còn có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), NetFlix... vào thị trường Việt Nam.
Tại hội thảo góp ý cho Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, chính sách quản lý nhà nước về OTT là chưa phù hợp. Theo ông Nguyễn Đình Thơ, Trưởng phòng Pháp chế Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), cơ quan soạn thảo cần bổ sung định nghĩa về “bản quyền”, “truyền hình trả tiền” vì các thuật ngữ này được sử dụng nhiều lần và nếu không định nghĩa sẽ gây tranh cãi, thậm chí gây khiếu kiện giữa các nhà cung cấp.
Theo quy định, VTV và các đài truyền hình địa phương, như Vĩnh Long được phép kinh doanh, thực hiện liên kết, tuy được phép kinh doanh nhưng lại không được cấp phép, vậy quy định không thể thực hiện được. “Chúng tôi cũng đã kiến nghị với cơ quan soạn thảo bổ sung trong dự thảo mới này cần cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho các đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên đến nay chưa được tiếp thu và đó là khó khăn cho VTV trong cung cấp truyền hình OTT” - ông Nguyễn Đình Thơ nhấn mạnh.
Theo ông Lê Văn Khương, đại diện cho Viettel TV cho biết, sau khi nghe góp ý của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền thì nhận thấy, quan điểm của các “nhà đài” và quan điểm của cơ quan soạn thảo đang khác nhau về cách hiểu truyền hình OTT. Đồng thời cho biết, Viettel đã gửi văn bản góp ý về cách định nghĩa truyền hình OTT, tuy nhiên chưa thấy ban soạn thảo tiếp thu.
Ở một góc độ khác, theo ông Đặng Thanh Sơn, chuyên gia luật của Công ty Luật Baker&McKenzie, cơ quan soạn thảo là Bộ Thông tin và Truyền thông nên tham khảo kinh nghiệm quản lý OTT của Ủy ban châu Âu, Australia, Hồng Kông (Trung Quốc) như quy định truyền hình OTT phải tuân thủ các quy định về văn hóa, bảo vệ trẻ em, chống kỳ thị dân tộc... để có những chính sách bình đẳng cho phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.