(HNM) - TP Hồ Chí Minh vừa đồng ý cho triển khai thực hiện công nghệ mã vạch QR (Quick Response - mã vạch 2 chiều) để truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Giải pháp này được cho là sẽ kiểm soát đến 80% thịt lợn lưu thông trên thị trường thành phố, nhưng chính những người trong cuộc cũng cho rằng, chỉ dựa vào công nghệ
Giám sát từ chăn nuôi đến phân phối
Thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 1.000 trang trại tại thành phố và các tỉnh lân cận cung cấp 8.000 con lợn/ngày cho nhu cầu người dân. Số lợn này sẽ được đưa đến 20 lò giết mổ rồi phân phối cho 5.000 tiểu thương đưa thịt đến tay người tiêu dùng.
Sắp tới, người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh có thể truy xuất nguồn gốc thịt lợn qua thao tác trên điện thoại thông minh. |
Trước sự bức thiết của việc kiểm soát chất lượng thịt lợn không rõ nguồn gốc tràn vào các chợ lẻ, cùng với việc tồn dư kháng sinh lưu thông trên thị trường vẫn chiếm tỷ lệ cao (hơn 27%), đã đặt ra cho các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh vấn đề làm sao có thể bảo đảm chất lượng từ khâu chăn nuôi cho đến phân phối. Mô hình “Chợ thí điểm ATTP” đã được đưa ra, trong đó nổi bật là chương trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn bằng công nghệ thông tin do Sở Công Thương, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thực hiện.
Theo Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (cơ quan nghiên cứu ứng dụng công nghệ truy xuất thịt lợn), chương trình sẽ được công nghệ hóa toàn phần, các khâu từ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, phân phối đều được kiểm soát và đưa vào ngân hàng dữ liệu (lưu trữ thông tin từ 5 đến 10 năm) thông qua tem chứa mã vạch QR, được kích hoạt bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh. Toàn bộ chi phí cho quy trình này sẽ vào khoảng 9.800 đồng/con. Người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng của chương trình trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy kiểm tra tại chợ hoặc trang web của chương trình để quét mã vạch tem trên miếng thịt. Trước khi đưa vào thí điểm trong tháng 11 và tháng 12-2016, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã lấy ý kiến về chương trình này và 100% ý kiến phản hồi đồng ý trả thêm tiền để mua thịt lợn rõ nguồn gốc.
Tuy vậy, việc công nghệ hóa hoàn toàn và trao quyền kiểm soát cho người tiêu dùng cũng dấy lên những lo ngại. Đó là việc sẽ xuất hiện những kẽ hở khi tiểu thương sẽ là người trực tiếp dán tem có mã vạch lên miếng thịt như trộn thịt không an toàn với thịt sạch, tem bị làm giả, thậm chí là phát sinh tiêu cực khi ban quản lý chợ sẽ là nơi bán tem cho tiểu thương…
Theo Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, dự kiến tên của ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt lợn của chương trình sẽ là Te-Food, được thực hiện trên nền tảng “Te-card” của Châu Âu. Người tiêu dùng có thể tải về miễn phí bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc sử dụng trực tiếp trên website: www.te-food.com. Chương trình sẽ triển khai thí điểm tại 12 lò giết mổ tập trung, 2 chợ đầu mối, 5 chợ bán lẻ và một số đơn vị sản xuất thịt trên địa bàn thành phố. |
Gắn camera ở các chợ
Theo TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, với những lo ngại về việc trộn lẫn thịt bẩn với thịt sạch, ứng dụng cũng sẽ đưa ra một “danh sách đen” các quầy sạp nào, ở chợ nào tham gia chương trình nhưng bị phát hiện làm ăn gian dối, từ đó người tiêu dùng sẽ nhận biết để tự tẩy chay và tìm đến những quầy sạp khác bảo đảm an toàn. Ngoài ra, ở các chợ sẽ được gắn camera kiểm soát toàn bộ quá trình kinh doanh nhằm phát hiện vi phạm.
TS Đào Hà Trung cũng cho biết, để bảo mật thì tem chứa mã vạch được sản xuất tại nước ngoài với công nghệ hiện đại. Hoàn toàn có thể xác định được thời điểm, người kích hoạt tem cũng như truy được những dấu hiệu gian lận thông qua dữ liệu. Các con tem sau khi được tiểu thương kích hoạt chỉ có giá trị sử dụng trong 24 tiếng, hết thời gian này thì con tem vô giá trị nên tránh được sự “quay vòng” tem.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh yếu tố con người được đề cao trong quá trình thực hiện vì con người trực tiếp tham gia vào tất cả các quy trình. Chương trình không bắt buộc, nên đối với những người không tham gia thì phải có phương án tách bạch để kiểm soát thịt lợn vào chợ. “Phải làm sao vận động được tiểu thương, cho họ thấy được lợi ích khi tham gia, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thịt lợn không thuộc chương trình đi vào các chợ lẻ. Nếu thành công sẽ nhân rộng ra các mặt hàng thịt khác, rau củ quả…”, ông Hòa nói.
Nếu làm tốt chương trình ở 2 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn) tại TP Hồ Chí Minh thì 80% lượng thịt vào thành phố sẽ được bảo đảm. Đối với 20% thịt trôi nổi ngoài thị trường, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết sẽ có công cụ từ lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, xử lý đến tận gốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.