Đó là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2 do Pharma Group tổ chức ngày 18-10, tại Hà Nội.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9-10-2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược này đề ra các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm tất lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, bảo đảm chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…
Để phát triển ngành dược Việt Nam trong giai đoạn tới, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, trọng tâm của chiến lược quốc gia sẽ tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá.
Thứ nhất là phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao. Từ đó, hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Thứ hai là nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cung cấp thuốc mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế thông qua việc tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Thứ ba là xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh. Từ đó có các chính sách quản lý ngành dược phù hợp nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp (như: Thiên tai, thảm họa, dịch bệnh); đồng thời dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.
Không chỉ với lĩnh vực dược, tại diễn đàn, các chuyên gia y tế cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học.
Chính vì vậy, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, thực tế ảo, blockchain và robot học hay Telehealth - khám, chữa bệnh từ xa… đã được áp dụng rộng rãi trong y tế giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu dẫn chứng, trong thời điểm đại dịch Covid-19 (từ tháng 4-2020) cho đến nay, thông qua Telehealth, bệnh viện đã có những buổi hội chẩn đa chuyên khoa, đa ngành, đa bệnh viện, có những phòng khám từ xa và tiến tới khám tại nhà. Việc ứng dụng đổi mới sáng tạo có ý nghĩa thiết thực với phát triển y tế tại Việt Nam và sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.