(HNMO) - Vấn đề ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Tại sao phải dùng công nghệ thay vì các biện pháp chống dịch truyền thống; công nghệ hỗ trợ hiệu quả như thế nào cho công tác phòng, chống dịch là những điều được dư luận đặc biệt quan tâm...
Theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), công tác truy vết phụ thuộc rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan, khách quan của người "điều tra viên" và các F, sự hợp tác, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ. Đối với các F, khi hỏi thông tin trong 14 ngày hầu như không ai nhớ được hết và đó là tâm lý rất bình thường. Cá biệt có một số trường hợp ca nhiễm, ca nghi nhiễm mà thông qua các biện pháp điều tra thông thường không xác định được các mốc dịch tễ...
Do vậy, đó sẽ là tình huống khó khăn với những người làm công tác truy vết, vừa tốn kém công sức vừa khó có hiệu quả. Vì vậy, việc truy vết bằng công nghệ sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trên.
Có 2 giải pháp là ứng dụng truy vết tiếp xúc gần và quét mã QR. Công nghệ thì mọi thứ đều rõ ràng, chính xác, lưu lịch sử tất cả mọi thứ. Ví dụ khi truy vết mấy ngày trước, F0 có thể quên đã tới địa điểm nào đó, thì lúc này, nền tảng quản lý thông tin người ra vào bằng công nghệ quét mã QR sẽ hỗ trợ hiển thị các địa điểm F0 đã tới. Lịch sử quét mã QR cũng sẽ lưu lại những người tới cùng lúc với F0, và giúp đội ngũ truy vết được những trường hợp F1, F2...
Ngoài ra ứng dụng truy vết tiếp xúc gần như PC-Covid (Bluezone) sẽ phát huy hiệu quả, nếu F0 đã gặp gỡ những người khác, vào thời gian nào sẽ lưu lại trên máy của người dùng, khi là ca nghi nhiễm, ca F0, cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ trích xuất dữ liệu tiếp xúc, dựa vào đó sẽ truy vết được những trường hợp F1, F2... Với việc truy vết hiệu quả bằng công nghệ tính bằng mili giây, thay vì mất hàng giờ, hàng ngày như truyền thống, giúp giảm tải cho đội ngũ y tế.
Sử dụng quét mã QR khi tới các địa điểm công cộng, để khi truy vết các ca nghi nhiễm, ca F0 sẽ nhanh chóng bóc tách được nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng, hạn chế vi rút lây lan.
Với sự tư vấn của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia và cung cấp dữ liệu từ hệ thống Bluzone (tiền thân của PC-Covid), tokhaiyte.vn, Hà Nội đã giám sát, xét nghiệm gần 14.000 trường hợp ho, sốt. Qua đó ghi nhận ít nhất 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 rải rác khắp các quận, huyện. Sau đó truy vết tiếp xúc, tiếp tục xét nghiệm các trường hợp liên quan, có thêm gần 700 ca mắc tại cộng đồng được phát hiện, chiếm gần 40% số ca mắc ghi nhận của toàn thành phố.
Hay như nền tảng hỗ trợ truy vết Covid-19 đã truy vết tự động được hàng nghìn trường hợp liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga sau 1 giờ. Nếu áp dụng theo cách truyền thống, thủ công, khó có thể tìm ra nhanh, chính xác các trường hợp nghi nhiễm. Có được kết quả nhanh chóng như trên là do trước đó Hà Nội đã đẩy mạnh việc quét mã QR khi đến các địa điểm. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kêu gọi người dân tiếp tục khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone (bây giờ là PC-Covid), nhất là đối với những người có biểu hiện ho, sốt, đau họng.
Rõ ràng truy vết bằng công nghệ giữ vai trò rất quan trọng. Và để triển khai thành công cần tới sự hưởng ứng, phối hợp quan trọng của người dân. Chỉ như vậy, ứng dụng công nghệ mới phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Thực tế có thể thấy, trong thời gian vừa qua, việc ứng dụng công nghệ trong truy vết đã góp phần không nhỏ để Hà Nội đạt kết quả bước đầu trong phòng, chống dịch cũng như tiếp tục duy trì trạng thái bình thường mới. Ngoài Hà Nội, các tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng công nghệ đem lại hiệu quả cao như Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang... Do vậy, trong thời gian tới, mô hình sử dụng công nghệ vào phòng, chống dịch cần được nhân rộng khắp cả nước.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.