Quần đảo Trường Sa của Việt Nam có khoảng 130 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm với diện tích vùng biển rộng 160.000-180.000 km2. Trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo có quân và dân sinh sống, xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội nhiều nhất là 21 đảo, đá với 33 điểm đóng giữ.
Nhiều giống cây mới được đem ra trồng và đã bám rễ xanh tốt trên đảo. |
Huyện Trường Sa có 3 đơn vị hành chính là Thị trấn Trường Sa (gồm đảo Trường Sa và phụ cận), xã Song Tử Tây (gồm đảo Song Tử Tây và phụ cận) và xã Sinh Tồn (gồm đảo Sinh Tồn và phụ cận). Những năm gần đây, Thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn không ngừng được củng cố và phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Khi chúng tôi đặt chân lên đảo Sinh Tồn, hình ảnh đầu tiên mà bất kỳ ai bước chân lên các đảo cũng nhìn thấy đầu tiên, đó là cột mốc chủ quyền và người lính tiêu binh bồng súng đứng gác với khuôn mặt bừng lên trong nắng biển, trẻ trung và rắn rỏi. Sinh Tồn là một trong những đảo không có nước ngọt. Sinh hoạt của quân và dân trên đảo chủ yếu dùng nước ngọt từ các bể chứa. Đảo nằm trên nền san hô ngập nước, cách chân đảo từ 300 đến 400 m, khi thủy triều thấp nhất, nền san hô nhô cao trên mặt nước từ 0,2 đến 0,4 m. Thổ nhưỡng trên đảo chủ yếu là cát, san hô đã được ngọt hóa theo thời gian. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, nhưng đảo Sinh Tồn vẫn duy trì một thảm thực vật đặc thù và hết sức phong phú như phi lao, bàng thường, bàng vuông, nhàu, phong ba, muống biển và rau xanh.
Cùng với nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ, quân và dân đảo Sinh Tồn đã trồng và phát triển được nhiều loài cây nước lợ, thậm chí gần đây có cả một số loài cây ăn trái, rau xanh mà trước kia vốn chỉ sinh trưởng ở đất liền. Bây giờ, không phải chỉ ở đảo Sinh Tồn mà tất cả các điểm đảo nổi của quần đảo Trường Sa, những thảm cây muống biển phủ xanh bát ngát trên những triền cát, các cây bão táp, phong ba, bàng vuông, cây tra (nho biển), mù u cho đến rau dền tía, mồng tơi, bầu bí, cải mầm...cũng đã trụ vững được ở nơi đầu sóng ngọn gió, khí hậu nghiệt ngã. Từ một quần đảo không sẵn các điều kiện tự nhiên thích hợp cho bất kỳ sự sống nào, bây giờ cây xanh ở các đảo đều trưởng thành và đầy sức sống trong nắng gió biển Đông. Bất cứ ai đi trên Đảo Sinh Tồn hôm nay, đều cảm giác như đi giữa một vùng quê Việt Nam thuần hậu, yên hòa, có bóng cây, có bóng nắng, có tiếng chim gù thương mến và xao xác tiếng gà gáy trưa... Văn hóa Việt đã cắm mốc trên những đảo nổi đảo chìm xa xôi mà vô cùng gần gũi đó.
Hạnh phúc được tạo nên từ tiếng trẻ thơ và những nụ cười . |
Chùa ở Sinh Tồn được xây dựng ở một vị trí trang trọng. Ngoài những nơi thờ, tụng niệm Phật, nơi đây còn đặt trang trọng tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Hàng ngày, các cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân trên đảo đến đây thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Chùa nằm giáp với khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, có diện tích khoảng 500 m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình ở vùng châu thổ Bắc bộ. Kiến trúc gồm một gian hai chái; tường bao trổ hoa; hệ thống sân, vườn với những cây phong ba, bồ đề xanh ngắt mang đậm hồn của dân tộc.
Chùa cũng là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của nhân dân trên đảo và những ngư dân đánh bắt xa bờ. Chị Phạm Thị Thương cùng gia đình tình nguyện ra đảo sinh sống từ năm 2013 nói: Những người dân sống trên đảo Sinh Tồn, mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, cảm thấy ấm lòng hơn và đất liền như gần với mình hơn.
Một năm 365 ngày, cứ vào 4 giờ 30 sáng tiếng chuông chùa trên đảo Sinh Tồn lại vang lên giữa thinh không, báo hiệu một ngày mới. Tiếng chuông chùa như thức tỉnh tâm hồn con người hướng về sự bao dung, độ lượng cũng như nhắc nhở ai đó hướng về quê hương về cội nguồn dân tộc để vững tâm giữ gìn từng tấc đất Tổ quốc; nó cũng báo hiệu sự an lành và khát vọng hòa bình của những người con đất Việt. Tiếng chuông nghe trong vắt như hơi gió heo may đi qua kẽ lá, đâu đó những mầm sống cựa mình để đất nở hoa giữa bao nhiêu khắc nghiệt của thiên nhiên và bất trắc tiềm ẩn. Tiếng chuông như có bóng mát che chở mỗi đời người, như đại ngã bao dung.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận hệ thống nguồn điện hiện có đảm bảo vận hành và cung cấp điện đáp ứng các nhu cầu trên các đảo |
Từng con sóng nhỏ ngoài khơi xa lăn tăn xô lên những mỏm đá san hô tạo ra thứ âm thanh trầm bổng và đêm Trường Sa chợt lắng đọng bởi tiếng chuông chùa khoan thai loan ra trên sóng biển. Dù bị pha trộn trong tiếng sóng và tiếng gió biển đêm nhưng không lấn át tiếng chuông từ chùa Sinh Tồn vọng lại. Chỉ một tiếng chuông nhưng chao ôi đã đong bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Rằng nương theo tiếng chuông này, ta sẽ gặp ngày hội ngộ.
Chùa ở Trường Sa Lớn cũng được xây dựng rất uy nghi, tọa lạc ngay giữa khu vực trung tâm thị trấn Trường Sa, đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là nơi mà bất cứ ai đến với Trường Sa cũng vào thăm, thắp nén hương để nghe lòng thanh tịnh và thấy ấm áp một niềm tin rất thiêng liêng.
Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống: một gian hai chái, mái ngói cong có đầu đao, nguyên liệu được sử dụng bằng nhiều loại gỗ quý có sức chịu được độ mặn của nước biển. Vào bên trong, chùa Trường Sa Lớn có sáu bức tượng Phật được chế tác công phu bằng ngọc quý có màu trắng (còn gọi là Phật ngọc). Phật ngọc được thờ ở chùa Trường Sa Lớn hôm nay cũng là một cơ duyên. Đây là quà tặng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công tác thăm nước bạn Myanmar; khi đến Chùa Vàng ở Thủ đô Yangon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Phật ngọc. Và bộ tượng Phật bằng ngọc quý này đã được Thủ tướng kính tặng lại chùa Trường Sa Lớn, kèm bức thư chứa đựng tâm nguyện của Thủ tướng gửi quân, dân huyện đảo Trường Sa. Bức thư có đoạn “Mong Đức Phật phù hộ độ trì: Cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi. Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng…”
Bên trong hai chái của ngôi chùa, hoành phi câu đối được sơn son thếp vàng ghi lại hào khí của dân tộc ta. Trên bức liễng được khắc câu đối: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền; Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ...”. Hay câu đối: “Cá đọc kệ được thành tiên, Rồng nghe kinh mà mộ đạo” thể hiện sức mạnh cảm hóa, lay chuyển tạo hóa vạn vật theo hướng thiện của nhà Phật.
Giữa trùng dương mênh mông, những tưởng chỉ có sóng, gió bão giông khắc nghiệt, nhưng không, bất cứ ở đâu, hễ có người dân đất Việt sinh sống, an cư thì ở đó có các đền, chùa, miếu mạo… đó là tín ngưỡng bao đời của người Việt. Ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng, thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự chở che, cầu mong yên bình, an lạc. Trên các đảo của quần đảo Trường Sa đã có nhân dân an cư, lạc nghiệp và các thế hệ con cháu được sinh ra, lớn lên tiếp nối truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Chùa lớn ở đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn ngoài là những thiết chế văn hóa mang đậm sắc thái tâm linh truyền thống của người Việt còn khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam ta, Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của hình hài Tổ quốc Việt Nam.
Những ngôi chùa trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều hướng mặt chính diện ra phía biển Đông, đối diện với biển cả, che chắn bão giông để con người được yên bình trước bao nhiêu ẩn họa. Bên cạnh bóng dáng cây đa, bồ đề mang cốt cách chùa Việt Nam, những ngôi chùa ở Trường Sa còn có thêm bóng mát của những cây tra, cây phong ba, cây bàng quả vuông xanh tốt tỏa bóng mát ôm choàng và nở hoa tươi thắm mỗi khi mùa xuân sang. Tiếng chuông chùa Trường Sa điểm những tiếng khoan thai loang ra trên sóng nước và khói hương trầm hòa quyện trong gió biển mặn mà. Tiếng chuông chùa Trường Sa nghe sao da diết như được gióng lên từ niềm khát vọng hòa bình của người Việt giữa biển Ðông…
Trường Sa không còn là những doi đất nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển cả; nơi chỉ có sóng gió, bão giông mà trở nên thân quen, gũi gần như một dải đất liền, như một làng chài của ngư dân ven biển. Bởi ở đó, cuộc sống đang sinh sôi, ngọt ngào cây trái, trong trẻo tiếng cười của trẻ thơ và nét mặt rạng ngời hạnh phúc của những người mẹ, người vợ trẻ… Song, biển cả bao dung nhưng cũng thật vô tình. Sống giữa tứ bề mênh mông trời nước, mưa gió thất thường và những ẩn họa khó lường, lòng người đều hướng niềm tin nơi cửa Phật bao dung, che chở, mong cầu biển yên, sóng lặng, hòa bình… để ra khơi chài lưới, an sinh. Bởi vậy, công dân sống trên đảo đều hướng tâm niệm của mình về những đấng siêu nhiên.
Những ngôi chùa giữa biển Đông không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân nơi biển đảo, mà còn thể hiện khát vọng cuộc sống bình yên, hòa bình, hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng. Mỗi sáng, mỗi chiều, ngày rằm hay những ngày lễ lớn…, công dân trên các đảo Trường Sa đều đi lễ chùa, thắp nén hương cầu an…
Ngoài 3 ngôi chùa lớn trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được trùng tu, xây dựng và hoạt động đáp ứng nhu cầu cuộc sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, tại đảo chìm Đá Tây (cách đảo Trường Sa Lớn 20 hải lý về hướng Đông Bắc) hiện có nhiều ngư dân đang đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản. Nơi đây, chẳng biết từ bao giờ đã có một ngôi miếu thờ tháng ngày được nhân dân hương khói; tại đây có tấm bia chẳng biết ai đã khắc bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt lên đó. Người dân đến đây làm ăn nuôi trồng, khai thác hải sản và cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên hòn đảo nhỏ này ai cũng hiểu sâu sắc tâm nguyện mà cha ông xưa đã dạy: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”.
Điều mà các anh lãnh đạo thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn, xã Song Tử Tây quan tâm là việc học hành của con em. Hiện các trường tiểu học ở đảo chỉ dạy học cho các cháu đến hết cấp I, sau đó sẽ chuyển các cháu vào đất liền học tiếp. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ tình nguyện ra đảo Sinh Tồn đã được 3 năm, nói với chúng tôi: Trường tiểu học Sinh Tồn có 7 học sinh được chia làm hai lớp. Lớp mẫu giáo và lớp tiểu học. Do lớp học ghép nên cả thầy lẫn trò luôn phải cố gắng khắc phục khó khăn. Cả hai cấp học đều học ngày hai buổi, sáng học chính khóa, trưa phụ huynh đón các con về nhà, chiều lên lớp ôn tập bài. Sau khi kết thúc tiểu học, các em được đưa về đất liền để học tiếp THCS.
Đến các đảo ở quần đảo Trường Sa, vui nhất là được thấy trẻ con xúng xính sắc phục hải quân lon ton theo bóng áo dài truyền thống thướt tha của mẹ, hớn hở đi đón đoàn từ đất liền ra thăm đảo. Trong số các cháu, có những cháu sinh ra ở đất liền rồi theo cha mẹ ra đảo, có những cháu được sinh ra trên đảo. Trong năm 2015, đã có hai công dân được sinh ra trên đảo là cháu trai Nguyễn Gia Khanh con anh Nguyễn Văn Hạnh và chị Nguyễn Thị Kim Loan ở xã đảo Sinh Tồn; cháu trai Thái Bình Hải Thùy con anh Thái Nhật Trường và chị Nguyễn Bình Phương Ái ở Thị trấn Trường Sa.
Cầm trên tay nâng niu và ngắm nghía tấm giấy khai sinh của cháu Thái Bình Hải Thùy đỏ chót màu quốc huy và tươi rói màu con dấu thị thực, tôi như được cảm nhận sâu sắc hơn về sức sống và vẻ đẹp của những đóa hoa phong ba nở giữa lòng biển cả, những trẻ lớn lên trên đảo là một cam kết của Trường Sa với Tổ quốc trong những ngày tháng này. Chị Nguyễn Bình Phương Ái nói, sở dĩ chị đặt tên con như vậy là mong cháu lớn lên sẽ nối tiếp truyền thống anh dũng kiên cường của những người lính biển và dân đảo Trường Sa, góp phần nhỏ bé giữ giữ bình yên cho biển đảo biên thùy.
Trường Sa càng thêm gần hơn khi nơi đây đã có Bưu điện, để cho người dân trên đảo và đất liền thông tin cho nhau nhiều hơn, thời gian gửi và nhận thư sẽ ngắn hơn, việc kết nối yêu thương sẽ sâu nặng, đậm đà hơn. Và trong Đoàn công tác số 15 đi thăm và kiểm tra quân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này phần đông là cán bộ công nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vấn đề đảm bảo điện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng ở quân đảo Trường Sa cũng đã được tiến hành bước đầu như xem xét và kiểm tra hệ thống, thiết bị để có hướng giải quyết.
Hệ thống nguồn cung cấp điện ở Trường Sa đã được xây dựng là điện gió và điện mặt trời. Với số ngày nắng trên đảo khá nhiều, khoảng 300 ngày/năm, lại chịu sự chi phối của 3 đới gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Bắc nên gió quanh năm sẽ là nguồn năng lượng sạch cho Trường Sa. Như vậy, vấn đề để ổn định cung cấp điện chỉ còn là đào tạo cán bộ vận hành cho các đảo và duy tu bảo dưỡng định kỳ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận hệ thống nguồn điện hiện có đảm bảo vận hành và cung cấp điện đáp ứng các nhu cầu trên các đảo- đó ý nguyện của CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam với mong mỏi góp một phần nhỏ bé cho công cuộc giữ gìn biên thùy hải đảo của Tổ Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.