Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường Sa, cuộc sống thường nhật

An Nhi| 26/06/2013 06:29

(HNM) - Đã một lần đến với Trường Sa, hẳn mỗi người đều bật lên những cảm xúc sáng tạo nghệ thuật. Từ

Khách tham quan triển lãm “Trường Sa lũy thép - quê hương”.



Mười hai ngày cùng đoàn công tác Báo Nhân dân ra thăm Trường Sa đã được hai anh em họa sĩ Đặng Kông Ngoãn và nhà báo - họa sĩ Đặng Kông Ngoạn chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Ngoài tư trang cá nhân, đồ nghề tác nghiệp của nhà báo, các anh mang rất nhiều giấy vẽ, dự định để vẽ tặng anh em chiến sỹ trên đảo. Hàng chục tác phẩm ký họa, chân dung đã được các anh vẽ cấp tốc và đem lại niềm vui khôn tả cho những người lính đảo. "Cảm xúc đến nhanh lắm, các tác phẩm cũng phải thực hiện "siêu tốc" để kịp tặng lại anh em. Ai cũng muốn có chân dung và còn ngồi xếp hàng chờ đến lượt", nhà báo - họa sĩ Đặng Kông Ngoạn kể.

Song, những ký họa chân dung dường như chưa đủ chuyển tải cảm xúc của các anh đối với Trường Sa, với anh em chiến sỹ nơi đây. Những đảo chìm đảo nổi, những công trình, những khuôn mặt, giọng nói thân thiết, tràn đầy nhiệt huyết của lính đảo đã thôi thúc các anh sáng tác là ghi lại nhiều hơn. Hai họa sĩ kể, có nhiều đêm các anh thức trắng để cảm nhận sâu hơn, phác họa lại những dấu ấn trong ngày rồi khi trở lại đất liền hoàn thiện. "Tôi thực sự cảm phục những điều anh em chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã xây dựng, bảo vệ để chúng tôi ra đây có cảm nhận đó đúng là quê hương của mình, niềm tự hào của bất cứ người dân Việt Nam nào", nhà báo Kông Ngoạn chia sẻ.

Hai anh em họa sĩ vốn được yêu thích bởi các sáng tác về đề tài quê hương, đất nước, chiến tranh... Đặng Kông Ngoạn là người nói ít, làm nhiều. Thế mới hiểu tại sao anh cần mẫn bên giá vẽ, quên ăn, quên ngủ suốt hai tháng trời sau chuyến đi. Anh tâm sự: "Xúc cảm cần được giải phóng, bằng cách này hay cách khác. Trường Sa và anh em chiến sỹ trên đảo đã để lại trong tôi những ấn tượng quá mạnh, quá thân thương, khó có thể kìm nén". Và quả thật, hiếm có họa sĩ, hay cặp họa sĩ nào có thể cùng nhau hoàn thành một triển lãm với gần 40 bức tranh sơn dầu khổ lớn (1m x 1,2m) trong vòng 2 tháng, mà theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các bức đều toàn diện, cả về bố cục, màu sắc, cảm xúc…

Cùng đề tài, cảm xúc trong một chuyến đi tới Trường Sa với 9 điểm đảo, nhưng mỗi họa sĩ lại chọn cho mình một lối vẽ riêng, cách thể hiện cảm xúc riêng tạo ra sự đa dạng, cá tính nhưng cũng dễ hòa hợp. Là Trưởng ban Bạn đọc Báo Nhân dân, Đặng Kông Ngoạn chọn khắc họa những điểm nhấn mang tính thời sự ở Trường Sa. Xem các bức tranh của anh, có cảm giác như được chứng kiến các chiến sỹ, nhân dân Trường Sa đang làm nhiệm vụ hay sinh hoạt thường ngày. Ví dụ như bức "Sau giờ luyện tập", "Kiểm tra diễn tập, hiệp đồng chiến đấu", "Quan trắc", "Mít tinh kỷ niệm 38 năm giải phóng Trường Sa"... Anh cũng ghi lại những điểm ấn tượng, đặc trưng nhất của mỗi điểm đảo anh đặt chân đến: "Đảo Sơn Ca", "Đảo Đá Thị", "Đảo Song Tử Tây", "Đảo Đá Tây"... và chú thích rõ công trình "lũy thép" ấy do đơn vị nào xây dựng. Khác với em trai, họa sĩ Đặng Kông Ngoãn chọn những điều bình dị hơn, nhẹ nhàng hơn để khắc họa về Trường Sa như "Hoa sen", "Hoa gạo", "Nhà giàn DK1".

Nhà phê bình mỹ thuật Bằng Lâm cũng nhận định: "Hai họa sĩ mỗi người một phong cách. Đặng Kông Ngoãn thì sử dụng nét trầm, nhẹ nhàng nhưng có sự sâu lắng. Còn Đặng Kông Ngoạn thì tung ra sự hồ hởi, sôi động và hừng hực khí thế, toát lên trong từng bức tranh. Họ bổ sung cho nhau tạo nên một Trường Sa chân thật, đa chiều và tràn đầy cảm xúc".

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 6-7.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa, cuộc sống thường nhật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.