Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường kỳ chống dịch tại bệnh viện

Thu Trang| 28/08/2020 06:33

(HNM) - Trong số 11 ca mắc Covid-19 tại cộng đồng ở Hà Nội được ghi nhận từ ngày 29-7 đến nay, có tới 8 ca được phát hiện trong bệnh viện. Thực tế này cho thấy, bệnh viện là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Hiện, thành phố đang tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện trong và ngoài công lập, các phòng khám tư nhân. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài, việc siết chặt quy trình phòng dịch tại các cơ sở y tế cần phải được thực hiện trường kỳ.

Đo thân nhiệt, khử khuẩn và kiểm soát người ra, vào tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Xuân Lộc

Khó kiểm soát người ra, vào bệnh viện

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới vào chiều 25-8 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ngay từ phía ngoài cổng, bệnh viện đã bố trí chốt kiểm soát, sàng lọc người ra, vào. Sau khi được nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mới được di chuyển vào bên trong bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, bệnh viện đang áp dụng quy trình khám theo lịch hẹn, nên khu khám bệnh thưa bệnh nhân hơn, bảo đảm việc giãn cách 1m. Bệnh viện cũng bố trí phòng khám sàng lọc riêng đối với những trường hợp liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã thiết lập quy trình đón tiếp, phân luồng bệnh nhân, bố trí cổng ra, vào riêng biệt. Đối với bệnh nhân bị ho, sốt, đau mỏi người... hoặc có yếu tố dịch tễ nghi nhiễm Covid-19 được hướng dẫn di chuyển ra cổng số 4 ở số 59A phố Trần Phú (quận Ba Đình). Bệnh nhân đến khám đi cổng số 5 ở số 59B phố Trần Phú. Bệnh viện cũng dán bảng khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở ngay cổng ra, vào.

Còn tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, khu vực cổng vào nằm trên phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm) được bố trí một phòng sàng lọc người bệnh viêm đường hô hấp cấp. Tại đây, người bệnh được đo thân nhiệt, khử khuẩn, khai báo y tế trước khi bước vào bên trong. Các trường hợp bị sốt, ho, đau họng,… được bố trí lối vào riêng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương Trần Danh Cường, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 người, chưa kể khu vực trước cổng bệnh viện luôn tập trung đông đối tượng “cò mồi”, taxi, xe ôm không đeo khẩu trang… Dù đã tăng cường và tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống dịch, song việc quản lý, kiểm soát người ra, vào viện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương Phan Hướng Dương cũng chia sẻ, lo ngại nhất là khó kiểm soát người nhà bệnh nhân ra, vào viện. Nhiều người ra mua sắm, ăn uống ở các quán ăn xung quanh, sau đó vào viện nên nguy cơ dịch từ bên ngoài xâm nhập vào rất cao.

Dừng hoạt động đối với bệnh viện không an toàn

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 111 bệnh viện, trong đó có 41 bệnh viện công lập của thành phố, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 bệnh viện trung ương, các bộ, ngành và hơn 3.600 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, qua kiểm tra cho thấy, công tác kiểm soát người ra, vào bệnh viện vẫn chưa triệt để: Có nơi chưa bố trí chốt phân luồng tại cổng ra, vào; bệnh nhân và người nhà chưa đeo khẩu trang đầy đủ. Đặc biệt, có bệnh viện chưa thực hiện giãn cách tại các khu vực đông người và buồng bệnh. Sở Y tế Hà Nội đã cho tạm dừng hoạt động 3 bệnh viện ngoài công lập, đồng thời nghiêm khắc phê bình các giám đốc bệnh viện…

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, bài học tại Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy, khi bệnh viện trở thành ổ dịch sẽ nguy hiểm như thế nào. Do đó, các bệnh viện cần phải tuân thủ 37 tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn trong phòng dịch Covid-19 mà Bộ Y tế đã ban hành. Khi tiến hành kiểm tra, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội cần công khai cho người dân biết bệnh viện nào không an toàn. Bảo hiểm xã hội thành phố cũng sẽ thông báo với bệnh nhân không đến bệnh viện đó.

Còn theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, nếu để “lọt lưới” một bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh, thì nguy cơ lây nhiễm dịch ra cộng đồng là rất lớn. Do đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện trong và ngoài công lập. Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm kiểm tra các phòng khám tư nhân.

“Đơn vị nào không thực hiện nghiêm quy trình sàng lọc người đến khám, chúng tôi sẽ kiến nghị tạm đình chỉ điều hành với lãnh đạo đơn vị đó. Nơi nào không đáp ứng được điều kiện an toàn phải dừng hoạt động. Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình hình mất an ninh trật tự ở khu vực xung quanh các bệnh viện. Các bệnh viện cần tăng cường các dịch vụ ăn uống, phục vụ người bệnh, người nhà bệnh nhân, hạn chế tối đa việc người ra, vào tự do khó kiểm soát trong bệnh viện”, ông Nguyễn Khắc Hiền lưu ý.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường kỳ chống dịch tại bệnh viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.