(HNM) - Cùng chuyên mục này, trong số báo ra ngày 21-9-2012 với bài viết "Bình thường và bất bình thường" Báo Hànộimới đã đề cập tới việc một số cá nhân đang giữ những vị trí quan trọng ở các ngân hàng xin từ nhiệm,
trong đó có Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) Trần Xuân Giá, các Phó Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu Phạm Trung Cang. Ấy là chuyện… bất bình thường. Và tới ngày hôm qua (27-9), mọi chuyện bước đầu đã rõ khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chính thức thông báo việc khởi tố 4 cá nhân nêu trên về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cụ thể, trên cương vị của mình khi đương nhiệm (lãnh đạo Ngân hàng ACB), các cá nhân nêu trên đã có chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền của ACB gửi vào 29 ngân hàng nhằm hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Việc làm đó đã vi phạm quy định tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư số 02/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng tới chính sách và an ninh tiền tệ quốc gia. Số tiền gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB lên tới trên 718 tỷ đồng.
Cùng trong chiều 27-9, trả lời báo chí về quan điểm của Chính phủ liên quan đến vụ việc nêu trên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: Việc điều tra, khởi tố các cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng là nằm trong chủ trương chung của Chính phủ quyết tâm làm trong sạch hệ thống ngân hàng, bảo đảm cho hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, góp phần ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế đất nước. Điều đó cũng cho thấy, các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật được các cơ quan chức năng xử lý triệt để trên tinh thần bình đẳng, thượng tôn pháp luật. Kiên quyết không để tồn tại những vùng cấm, những khu vực được dư luận cho là… "nhạy cảm", có những "ưu đãi" nhất định, Chính phủ đã có sự chỉ đạo mạnh mẽ các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc quyết liệt thể hiện rõ quyết tâm lành mạnh hóa các hoạt động và quan hệ trong xã hội. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, điều đó không chỉ là khẩu hiệu mà phải là chân lý, là hiện thực cuộc sống đối với một xã hội văn minh, hiện đại. Và rõ ràng, vụ việc trên đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là vào thời điểm việc học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XI đang trở thành đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Nhanh chóng phát hiện và loại bỏ những hành vi vi phạm pháp luật khỏi đời sống xã hội là hết sức cần thiết đối với lợi ích chung của cả cộng đồng cũng như đối với sự phát triển của quốc gia. Hoạt động ngân hàng là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, do đó cần xây dựng một bộ máy trong sạch - mà con người là yếu tố hàng đầu - cũng như minh bạch các chính sách, cơ chế hoạt động. Đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.