Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước làn sóng hậu Covid-19

Hoàng Lê| 19/03/2022 06:03

(HNMCT) - Đầu tuần, Bộ Y tế đã ra quyết định mới về điều trị F0 tại nhà, theo đó người dương tính với vi rút SARS-CoV-2 có thể ra khỏi phòng cách ly (nhưng vẫn phải ở trong nhà) với điều kiện phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn cho người khác. Nội dung này lập tức được nhiều trang mạng xã hội đưa lên, “phiên” ngắn gọn thành “F0 được phép ra đường”.

Nếu là trước đây vài tháng, thậm chí là vài tuần, chắc chắn thông tin nói trên từ mạng xã hội là tin “động trời”. Nhưng có vẻ bây giờ đã khác, mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều người ở thời điểm hiện tại là vấn đề hậu Covid-19. Sự thể đến mức người ta đã phải đặt câu hỏi, rằng liệu chúng ta có lo lắng thái quá hay không khi có quá nhiều F0 khỏi bệnh là nghĩ ngay đến việc đi khám hậu Covid-19 dù bản thân không xuất hiện triệu chứng đáng lo và chưa chắc đã rõ “hậu Covid” là gì.

Vài ngày qua, liên quan tới vấn đề nói trên có những việc mang tính tiêu biểu. Ví dụ, chủ một trang Facebook cá nhân đăng bài viết, nội dung đại ý là ở bệnh viện nọ tại Hà Nội xuất hiện tình trạng quá tải người đến khám hậu Covid, đặc biệt là trẻ em. Người này mô tả tình trạng bệnh và cảm nhận của 1 - 2 người đến khám, chỉ xem qua nội dung cũng có thể lây cảm giác rằng hậu Covid thật kinh khủng. Điều đáng chú ý là nội dung ý kiến phản hồi về bài viết này rất không có lợi cho uy tín của tác giả, một Facebooker thuộc “tổ nghìn lai”, khi đa số yêu cầu người này gỡ bài viết đó bởi nó khiến người xem hoang mang. Một số nói rằng tác giả viện dẫn chi tiết để nói toàn thể, đưa ra mẫu số chung, ý tứ không khác gì một bài viết khác từng bị phản ứng dữ dội khi đem triệu chứng nặng hậu Covid ở vài người rồi gợi mở kết luận khiến đa số kinh hoàng, như thể tất tần tật F0 khỏi bệnh được vài ngày là phải lao đến khám hậu Covid ngay lập tức.

Mọi việc bất thường đều có lý do cả. Tâm lý sợ hãi hậu Covid-19 một cách thái quá xuất hiện do nhiều nguyên nhân, quan trọng nhất là luồng thông tin thiếu trách nhiệm đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và làn sóng quảng cáo cấp tập từ nhiều cơ sở y tế về việc thành lập “chuyên khoa khám và điều trị hậu Covid”. Người Việt quan tâm tới sức khỏe, không tiếc tiền cho việc này và không phải ai cũng tỉnh táo nhớ tới khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ngành Y tế Việt Nam trước vấn đề hậu Covid-19. Bởi thế, trong bối cảnh sau khi hết thời hạn cách ly, xét nghiệm cho kết quả âm tính trở lại thì đa số xuất hiện di chứng mệt mỏi, khó có thể khôi phục tình trạng sức khỏe bình thường như trước ngay lập tức nên nhiều người nghĩ ngay rằng “bị hậu Covid rồi”. “Có bệnh rồi” thì “vái tứ phương”. Những “bài thuốc dân gian... truyền miệng”, “gói” khám hậu Covid tại “cơ sở khám và điều trị hậu Covid uy tín” được giới thiệu nhan nhản trên mạng xã hội, trở thành lựa chọn của không ít người dù triệu chứng hậu Covid không có gì bất thường. Đó là chưa kể miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, số người bị cảm cúm tăng mạnh và nhiều người căn cứ vào triệu chứng tự cho rằng mình “bị hậu Covid” và tìm đến bệnh viện.

Những gì đang diễn ra cho thấy người mắc vi rút SARS-CoV-2 nhưng đã khỏi bệnh cần nâng cao nhận thức về vấn đề hậu Covid-19. Điều quan trọng là cần tỉnh táo chọn lọc khi tiếp nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông, đặc biệt là từ mạng xã hội. Nền tảng nhận thức cần có là khuyến cáo của chuyên gia y tế Việt Nam và WHO, theo đó, vấn đề không quá đáng ngại khi phần lớn F0 từ từ sẽ hồi phục hoàn toàn, và không phải ai nhiễm vi rút SARS-CoV-2 rồi cũng "bị hậu Covid"; việc tiêm vắc xin đầy đủ giúp hạn chế ca bệnh trở nặng cũng như nguy cơ bị ảnh hưởng hậu Covid. Thông tin cần biết từ giới chuyên môn về các trường hợp cần theo dõi chặt chẽ biểu hiện hậu Covid-19, phương pháp điều trị theo triệu chứng và lưu ý khi nào cần đến bệnh viện... cho phép chúng ta không chủ quan nhưng cũng không lo lắng thái quá để rồi “gặp họa” với những loại thuốc “trị hậu Covid” không rõ nguồn gốc đang được rao bán nhan nhản trên mạng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trước làn sóng hậu Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.