Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước diễn biến nguy hiểm mới

Thùy Dương| 08/03/2017 06:23

(HNM) - Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vừa leo thang lên cấp độ mới khi Bình Nhưỡng phóng liên tiếp 4 quả tên lửa trong sáng 6-3. Trước sức ép cũng như sự phản đối của dư luận quốc tế, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngay sau đó đã tuyên bố rằng, vụ phóng tên lửa trên là cuộc diễn tập huấn luyện cho

Tin tức về cuộc phóng tên lửa của Triều Tiên được truyền thông Hàn Quốc quan tâm.



Theo phân tích các dữ liệu của Mỹ và Hàn Quốc, 4 tên lửa vừa được phóng từ căn cứ tên lửa tầm xa Dongchang-ri tại tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên, trong đó 3 quả rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, các tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng cách trung bình là 1.000km và đạt độ cao tối đa so với mặt biển là gần 260km. Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên được cho là nhằm đáp trả cuộc tập trận chung mang tên “Đại bàng non” của quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Đây là cuộc diễn tập thường niên với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ hai nước cùng biên đội tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson, nhiều máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của không quân Mỹ.

Hành động của Bình Nhưỡng còn được xem là một chiến thuật để đối phó với hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ sắp triển khai ở Hàn Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, ngoài những mục đích trên, vụ phóng tên lửa có tầm bắn cả nghìn cây số của Triều Tiên còn nhằm thử phản ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đến nay, Triều Tiên luôn tuyên bố đã đạt tiến bộ trong việc phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo, trong đó ưu tiên cho tên lửa tầm trung với tầm bắn dưới 5.000km và tên lửa xuyên lục địa (ICBM), với tầm bắn có thể vươn tới bờ biển phía Tây của nước Mỹ. Vì thế, động thái quân sự của Bình Nhưỡng được nhìn nhận như lời khẳng định cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tên lửa nước này, với việc cho ra đời những vũ khí thông minh hơn, nguy hiểm hơn, được triển khai với thời gian ngắn hơn và có khả năng thoát khỏi các hệ thống đánh chặn cao hơn.

Kể từ khi kích nổ một thiết bị hạt nhân thô năm 2006, đến nay Triều Tiên đã không ngừng phát triển không chỉ vũ khí hạt nhân mà còn các loại tên lửa. Những gì mà ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng mong muốn là ngăn chặn bất kỳ mưu đồ "thay đổi chế độ" nào như đã từng xảy ra ở Iraq hay Libya. Theo các chuyên gia, để đạt được điều đó, trước hết Triều Tiên cần có một số lượng hạn chế các tên lửa hạt nhân trên đất liền với khả năng tấn công ít nhất các mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản. Thông qua các cuộc thử nghiệm tên lửa, Bình Nhưỡng xem ra đang tiến gần hơn đến mục tiêu này. Năm 2016 là năm kỷ lục đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên với hàng chục vụ phóng tên lửa và thử nguyên tử liên tiếp. Đầu năm 2017, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, quốc gia Đông Bắc Á này lại bắn tên lửa Pukgukdong-2, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục thử các loại vũ khí chiến lược mới. Diễn biến này đang khiến nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại.

Trong khi Mỹ đang cùng đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc hối hả tìm cách tăng cường sức ép lên Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt thì theo giới phân tích, điều này không tháo gỡ được cuộc khủng hoảng... Các biện pháp cô lập dù rất mạnh tay của Liên hợp quốc cũng như nhiều nước khác áp dụng thời gian qua cũng không mang đến tác dụng như mong muốn. Hơn nữa, với xu hướng tiếp tục “làm căng” và không nhượng bộ của các bên, tình hình trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung có thể còn có những diễn biến nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước diễn biến nguy hiểm mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.