(HNM) - Các nước ASEAN và ba đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vừa quyết định lập kho dự trữ gạo tại từng quốc gia với tổng số 787.000 tấn trong cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại cuối tuần qua tại Vientiane, Lào - đánh dấu sự ra đời ngân hàng lương thực đầu tiên trong lịch sử khu vực.
Hạn hán nghiêm trọng tại Trung Quốc đã tác động đến nguồn cung, một nguyên nhân làm giá lương thực tăng cao. |
Đây cũng là quyết tâm chính trị chưa từng có nhằm chống lại cơn bão lương thực dường như đang tới gần vựa lúa gạo lớn nhất thế giới. Không chỉ đơn thuần là phương cách "phòng thân" trong thời buổi thóc cao gạo kém, động thái này được xem là biện pháp cần thiết để bình ổn giá gạo; đồng thời tránh hiện tượng "nhà nhà thu mua" khiến thị trường hỗn loạn dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực.
Bước đi của ASEAN+3 là cơ chế phối hợp đầu tiên giữa các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác Đông Bắc Á nhằm chủ động đối phó với thực trạng giá lương thực đang có dấu hiệu nóng lên. Cảnh giác trước cơn "bão gần" mang tên lương thực được xem như một giải pháp tích cực trong bối cảnh giá nông sản được dự báo sẽ "làm mưa, làm gió" trong năm 2011 này. Đã có không ít cảnh báo rằng, đợt bão giá 3 năm trước nếu tái diễn sẽ khiến mọi cố gắng kiểm soát hàng hóa của các chính phủ trở nên vô hiệu và kéo cuộc khủng hoảng lương thực đến nhanh hơn.
Quyết sách của ASEAN+3 được đưa ra vào thời điểm cơn sốt giá các mặt hàng thiết yếu chưa tìm thấy điểm dừng. Trong khi đó rối loạn chính trị Trung Đông và Bắc Phi đã trở thành đòn bẩy cho giá lương thực, thực phẩm vốn đã cao sẽ còn tăng cao hơn nữa. Nếu nghe qua, thật khó để thuyết phục rằng số phận của nhà lãnh đạo lâu năm tại Libya, M.Gaddafi, có sự liên quan đến cơm ăn áo mặc của người dân ở phần còn lại của thế giới. Mắt xích nối liền cuộc cách mạng tái sắp xếp cục diện thế giới Arab và sức ép lên thị trường lương thực chính là giá dầu thô. Mặt hàng chiến lược này đã vọt lên gần 113 USD trong ngày 1-3, mức cao nhất trong khoảng hai năm rưỡi qua khi bạo loạn chưa có hồi kết tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi đang mang đến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trên thị trường. Tuyên bố tử chiến của ông Gaddafi cùng hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... với Tripoli đang làm tăng thêm lo ngại về một cú sốc dầu mỏ sẽ kéo dài nếu cuộc khủng hoảng ở Libya không sớm kết thúc. Quan trọng hơn, nguồn nhiên liệu thiết yếu đó hiện đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp hiện đại. Từ máy móc nông nghiệp đến các nhà máy sản xuất phân bón và vận chuyển nông phẩm... đều không thể vận hành nếu nguồn cung nhiên liệu bị cắt. Vì thế, khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ đang manh nha hình thành cũng đồng nghĩa với một cuộc chiến giá cả về lương thực là khó tránh. Điều này càng khiến kho dự trữ lương thực của ASEAN+3 thêm ý nghĩa.
Nhu cầu lương thực tăng nhanh ở các quốc gia mới nổi và biến đổi khí hậu đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo là nguyên nhân đẩy giá lương thực tăng thêm 3,5% trong năm nay. Có ý kiến cho rằng dường như thế giới đang quá sợ hãi trước một cuộc khủng hoảng lương thực không có thật vì cơ bản cán cân cung - cầu chưa mất cân bằng. Trên thực tế, thời tiết là thủ phạm lấy đi hàng chục triệu hécta mùa màng ở nhiều trung tâm sản xuất lương thực khắp hành tinh, từ Trung Quốc tới Australia, Canada... Tuy nhiên, vụ mùa thành công tại nhiều nước châu Phi, Argentina... đã làm sản lượng nông sản thế giới cao hơn năm ngoái 5,1% trong khi lượng ngũ cốc nằm kho đã tăng từ 428 triệu tấn trong năm 2008 lên 525 triệu tấn. Mặc dù vậy, do mỗi năm thế giới lại đón nhận thêm 80 triệu công dân mới nên mối đe dọa thiếu đói không phải là điều viển vông. Mục tiêu đẩy sản lượng lương thực toàn cầu tăng 70% trong 40 năm tới để có thể nuôi sống con người xem ra không dễ thực hiện khi quá trình đô thị hóa hiện nay ở các nước đang phát triển đang nhanh chóng biến đất canh tác thành đường sá, khu công nghiệp và cao ốc...
Do đó, chiến lược đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào ngành nông nghiệp như kêu gọi của LHQ là lựa chọn duy nhất của các chính phủ trong tương lai nếu muốn ổn định nguồn cung lương thực trong nước và tránh thảm họa thiếu đói được xem như thứ vũ khí giết người hàng loạt nếu xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.