Bài 1: Dũng cảm mới dám trùng tu di tích (HNM) - Sau khi được
Đình Nam Hương trước ...
Vì sao ông Trần Đức Minh, Trưởng ban đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây, đơn vị thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang tường thành cũ và phục hồi cổng Đông Thành cổ Sơn Tây nói như vậy? Bởi, cho đến nay, chưa có căn cứ nào để đánh giá di tích này trùng tu đúng, di tích kia không trùng tu đúng quy trình; di tích này giữ được nguyên gốc, di tích kia bị trẻ hóa… mà trường hợp trùng tu Thành Nhà Mạc (Tuyên Quang), Thành cổ Sơn Tây, đình Nam Hương - Tượng đài Vua Lê, chùa Trấn Quốc… (Hà Nội) là những ví dụ cụ thể.
Phản biện cần công tâm
Sau khi được trùng tu, đình Nam Hương - Tượng đài Vua Lê bị dư luận cho rằng "biến hai di tích thành một", "ngang nhiên làm sai lệch lịch sử" vì đã phá thông bức bình phong phía sau di tích, đưa bức tượng thờ Vua Lê Thái Tổ vào trong đình Nam Hương và "thiết kế" hai con rồng bò lên và bò xuống hai phía cầu thang của đình… Tương tự, chùa Trấn Quốc cũng bị lên án là phá hai tháp cổ đi để dựng tòa bảo tháp 11 tầng. Thành Nhà Mạc (Tuyên Quang) thì "được" gọi là "cái lò gạch" sau khi trùng tu. Di tích là một tài sản quý của quốc gia và những ý kiến phản biện về việc trùng tu di tích là đáng trân trọng. Tuy nhiên, rất cần sự công tâm trong đánh giá mà dư luận về các công trình trên chỉ là những ví dụ về sự thiếu hụt điều này.
Theo ông Nguyễn Chính, người chịu trách nhiệm tư vấn, thiết kế, chủ nhiệm công trình trùng tu di tích Tượng đài Vua Lê - đình Nam Hương thì những bức ảnh chụp từ năm 2006 phản ánh hiện trạng di tích trước khi trùng tu cho thấy, ban thờ và Tượng Vua Lê được đưa vào đình từ trước chứ không phải là mới đưa vào trong lần trùng tu này nhằm hợp lý hóa việc biến hai di tích thành một. Ông Phạm Hoàng Hải (Phòng VH-TT quận Hoàn Kiếm) cho biết: Con rồng "bò xuôi" và "bò ngược" cũng có từ trước đó (thời nào không rõ) và đơn vị thi công chỉ căn cứ vào hình ảnh cũ, đắp cho nó có hồn cốt và phù hợp với cảnh quan không gian của ngôi đình mà thôi. Bức bình phong ngăn hai khu di tích dài 4,86m vẫn được giữ nguyên, dự án chỉ mở một cửa nhỏ thông giữa hai di tích để thuận tiện cho việc tham quan, chiêm bái của du khách… Tất cả hạng mục này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận tại công văn số 1636 ngày 29-3-2007.
Thượng tọa Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc khẳng định, ngôi tháp hiện tại được xây trên khu đất trống và được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội (nhiều hình ảnh, tư liệu về chùa Trấn Quốc trước khi xây dựng tháp chứng minh cho điều này). Sau khi tòa tháp khánh thành (năm 2003), cảnh quan chùa Trấn Quốc đẹp hơn trong mắt du khách và tín đồ thập phương. Còn cái "lò gạch mới" - Thành Nhà Mạc (Tuyên Quang) - cũng được các đơn vị liên quan khẳng định là đúng quy trình và không làm biến dạng di tích. Về "cái sự mới" của mạch vữa, gạch... là do những khó khăn trong việc tìm và sử dụng thứ vật liệu đúng màu của loại gạch vồ, gạch đá ong, gạch chỉ... tồn tại cách đây hơn 400 năm.
Trùng tu không chỉ cần lòng dũng cảm
Tìm hiểu về quá trình triển khai dự án cải tạo, chỉnh trang tường thành cũ và phục hồi cổng Đông Thành cổ Sơn Tây có thể hiểu hơn về sự dũng cảm mà ông Trần Đức Minh, Trưởng ban đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây, đơn vị thực hiện dự án đã nói.
Tại công văn số 1699/BVHTTDL-DSVH ngày 21-5-2010, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng chỉ đồng ý "Việc phát lộ để làm rõ toàn bộ hiện trạng tường thành cần bảo đảm nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến móng và tường thành cũ… Đối với các đoạn tường thành bị mất hoàn toàn: thực hiện phương án trồng cây thành hàng rào được cắt tỉa chạy dọc theo vị trí tường thành bị mất để khách tham quan có thể hình dung được tường thành cũ…". Tuy nhiên, thành Sơn Tây là một tòa thành quân sự được xây dựng vào năm 1822 bằng gạch đá ong hết sức độc đáo với chiều cao gần 5m. Đến đầu thế kỷ XIX, nhiều đoạn tường thành đã bị phá hủy, khối đá ong từ bức tường thành được dùng kè bờ hào. Trải qua thời gian, bức tường đất bên trong xô xuống, bao phủ lên hầu hết tường thành, nhiều cây cối, trong đó có cả cây dại mọc trên bức tường đất đó. Như vậy, nếu làm theo phương án mà Bộ VH,TT&DL hướng dẫn thì chỉ một thời gian sau, lớp tường đất sẽ lại bao phủ lên tường thành vốn đã mất hàng tỷ đồng để phát lộ. Thế nên, những người thực hiện dự án đã tu bổ theo phương án phát lộ tường thành cũ, xếp đá ong vào những đoạn tường bị mất, thụt vào từ 3 đến 5cm ở những chỗ còn tường cũ với chiều cao từ 1,3 đến 1,5m, giữ nguyên cây cổ thụ, chặt bỏ cây dại. Với cách làm này, rõ ràng nửa bức tường thành trở nên ấn tượng hơn nhiều so với nửa bức tường bị đất phủ kín chưa được trùng tu. Cụ Nguyễn Văn Ích, phường Lê Lợi (Sơn Tây) cho biết: 79 năm sống gần thành cổ, chưa bao giờ cụ thấy ấn tượng về bức tường thành như hiện nay. Làm tường thành với chiều cao như hiện tại là hợp lý vì vừa giúp nhân dân hình dung được tường thành Sơn Tây như thế nào, vừa bảo đảm vẻ đẹp cho "lá phổi xanh" của thị xã. Đó cũng là mục đích mà chính quyền và Ban đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây hướng đến khi trùng tu di tích này.
Tuy nhiên, giá mà Bộ VH,TT&DL cùng chính quyền và nhân dân địa phương phân tích, đánh giá tỉ mỉ thì sẽ không có hướng dẫn thiếu khả thi như trên; và nếu chính quyền và Ban đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây kiên trì "thuyết phục" các cơ quan hữu quan thì đã không bị dư luận phản đối vì cho rằng bức tường thành còn nguyên vẹn bậc nhất ở Việt Nam hiện nay bị phá đi để xây mới khi chưa được sự cho phép của Bộ VH,TT&DL.
Điều đáng nói, việc dư luận chưa thật khách quan trong phản biện, những người làm công việc trùng tu di tích quá "dũng cảm" đều cho thấy sự cần thiết phải có bộ tiêu chuẩn quốc gia về trùng tu di tích. Nếu không, tình trạng ai cũng đúng, ai cũng sai và kết quả ai đúng, ai sai chỉ có thời gian mới chứng minh được sẽ tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, những di tích bị xuống cấp lại không thể chờ đợi.
PGS-TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa) cho rằng, người làm công tác trùng tu di tích phải hội đủ các đức tính: "Trí", "Tâm" và "Công". Trong đó, "Trí" phải được đặt lên hàng đầu bởi không có "Trí" thì "Tâm" không thành, "Tâm" không thành thì "Công" (công đức, công lao) chỉ là sự hối lộ, giao khoán với thần linh mà thôi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.