Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc: Nhiều vấn đề khó hiểu

Bảo Nga - Thùy Ngân| 07/04/2016 07:16

(HNM) - Thành lập năm 2002, sau gần 14 năm hoạt động, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (TTQTGAN) đã ký hợp đồng với hàng chục tổ chức bảo vệ quyền tác giả (QTG) âm nhạc trên khắp thế giới, với phạm vi điều chỉnh tại 153 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Tại Việt Nam, TTQTGAN hiện đang ký hợp đồng ủy thác với trên 3.000 tác giả trong nước, thu hàng chục tỷ đồng phí tác quyền (PTQ) mỗi năm. Tuy nhiên, việc thu - chi PTQ của TTQTGAN lại có nhiều sự lập lờ khó hiểu…

Mnh hoạ (ảnh: internet)



Thu phí kiểu… lạ đời

Cuối năm 2015, một số chủ quán cà phê trên địa bàn quận Cầu Giấy gửi đơn kiến nghị đến Báo Hànộimới, phản ánh những bức xúc xung quanh việc thu PTQ của TTQTGAN. Theo đó, năm 2014, họ bất ngờ nhận được thông báo mời các chủ cửa hàng kinh doanh cà phê, karaoke… đến trụ sở TTQTGAN tại đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) để nộp PTQ do sử dụng các tác phẩm âm nhạc (TPAN) vào mục đích kinh doanh. Trung bình, mỗi cơ sở kinh doanh (CSKD) cà phê tại quận Cầu Giấy phải nộp khoảng 2 triệu đồng và được cấp một giấy chứng nhận đã thực hiện nộp PTQ. Nghĩ đây là khoản nộp một lần nên nhiều người "tặc lưỡi" nộp cho xong. Nhưng cuối năm 2015 họ lại nhận được "trát" của TTQTGAN. Trong giấy mời không chỉ ghi rõ mức thu PTQ, mà còn nêu từng mức phạt cụ thể trong trường hợp chủ CSKD không nộp PTQ theo đúng quy định.

Cũng theo các chủ CSKD trên, cơ sở của họ chỉ sử dụng hệ thống ti vi màn hình lớn phục vụ nhu cầu xem bóng đá và các chương trình thể thao, phim truyện, giải trí trên các kênh truyền hình thông qua hợp đồng với nhà mạng cáp truyền hình. Thi thoảng lắm mới bật một số đĩa CD không lời của thế giới, một số đĩa CD "chính hãng" của Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Trần Thu Hà… (không sử dụng đĩa nhạc, đĩa phim trôi nổi trên thị trường). "Nếu mở nhạc để phục vụ khách cũng phải trả tiền, chúng tôi sẵn sàng trả. Nhưng chúng tôi phải biết rõ mình phải trả bao nhiêu tiền cho tác giả nào, sáng tác những tác phẩm gì, tác phẩm đó chúng tôi có sử dụng hay không? Không lẽ TTQTGAN được phép thu PTQ cho tất cả các TPAN của tác giả trong nước và trên toàn thế giới?" - Chị Thơm, chủ một quán cà phê bức xúc.

Để giải đáp những thắc mắc nêu trên, phóng viên đặt lịch làm việc với nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc TTQTGAN và ông Vũ Đình Hưng - Trưởng phòng Cấp phép TTQTGAN. Theo thông tin TTQTGAN cung cấp, hiện Trung tâm quản lý các quyền được ủy thác trong phạm vi: Quyền biểu diễn nơi công cộng, quyền phát sóng, quyền ghi âm… và những quyền liên quan khác mà luật pháp cho phép. Trên cơ sở hợp đồng ủy thác QTG ký giữa TTQTGAN với người sở hữu hợp pháp QTG, Trung tâm sẽ khai thác và bảo vệ các QTG đối với các TPAN được luật pháp công nhận, giúp những người sử dụng tác phẩm được thuận lợi và bảo đảm trên nguyên tắc công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, nhiều người đã từng nộp PTQ cho TTQTGAN nhận định, phương thức thu tiền tác quyền hiện tại được thực hiện mỗi lúc, mỗi nơi một kiểu liệu có bảo đảm tính minh bạch? Đơn cử, tại các phòng trà, quán karaoke, cà phê… TTQTGAN đang áp dụng hình thức thu khoán. Với các đài truyền hình, Trung tâm áp dụng cách thu PTQ theo số lượng ca khúc và số lượt sử dụng ca khúc đó. Riêng với các chương trình biểu diễn, Trung tâm áp dụng cách thu theo quy mô chương trình, dựa trên tỷ lệ phần trăm số vé và giá vé bán ra hoặc thu trọn gói theo phần trăm doanh thu.

Không chỉ bộc lộ sự thiếu nhất quán trong phương thức thu PTQ, hình thức thu phí của Trung tâm cũng "chẳng giống ai". Tuy là đơn vị được ủy thác thu PTQ nhưng TTQTGAN không cung cấp danh sách tên tác giả đã ủy quyền cũng như danh mục các TPAN cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp PTQ. Ngược lại, người sử dụng âm nhạc phải có trách nhiệm liệt kê tên, số lượng tác phẩm mình sử dụng làm căn cứ nộp PTQ cho TTQTGAN.

Chi "chẳng giống ai"

Cách thu đã vậy, cách chi PTQ của Trung tâm cũng không kém phần kỳ lạ. Báo cáo tổng kết của TTQTGAN cho thấy, tính đến tháng 12-2015, Trung tâm đã ký hợp đồng ủy thác với 3.116 tác giả, thu số PTQ trước thuế gần 61 tỷ đồng, sau thuế trên 67 tỷ đồng. Song không hiểu bằng cách nào, số tiền đủ tiêu chuẩn phân phối lại chỉ còn 51,7 tỷ đồng.

Theo tính toán, sau khi trích lại các khoản hành chính phí, số tiền phải phân phối cho các tác giả là trên 46 tỷ đồng, tỷ lệ thành công trên 86%. Vậy con số 14% chưa phân phối thành công (ước khoảng 5 tỷ đồng) sẽ được để ở đâu hoặc dùng vào việc gì? Ông Phương cho biết: "Do khi chi trả PTQ, các đơn vị không chịu gửi kèm ngay danh mục và địa chỉ của các tác giả nên Trung tâm không có địa chỉ chuyển trả PTQ cho tác giả. Số tiền chưa đủ điều kiện phân phối sẽ được đưa vào quỹ, sau vài năm nếu không tìm được tác giả thì TTQTGAN sẽ tìm cách hợp thức hóa nguồn quỹ này".

Câu hỏi đặt ra: Nếu đã ký hợp đồng ủy thác với các tác giả thì tại sao TTQTGAN lại phải chờ các đơn vị sử dụng TPAN gửi danh sách kèm địa chỉ tác giả mới thực hiện được việc chi trả PTQ? Về vấn đề này, ông Phương lý giải: "Do chưa có đủ trang thiết bị hiện đại để đo đếm tần suất sử dụng TPAN nên chúng tôi buộc phải áp dụng hình thức thu "đổ đồng". Hiện Trung tâm đang thu PTQ các TPAN của tất cả các tác giả trên toàn thế giới, bao gồm cả các tác giả đã ký kết hợp đồng ủy thác với Trung tâm và các tác giả chưa ký hợp đồng ủy thác. Đây là việc bình thường, ngay cả ở các nước phát triển họ cũng làm như vậy"!

Làm việc với PV Báo Hànộimới, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: "Điều 41 Luật Sở hữu trí tuệ quy định tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền nhân thân, quyền tài sản theo thỏa thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu QTG. TTQTGAN chỉ thu PTQ của người ủy quyền, không được thu của những người chưa ủy quyền". Cũng theo Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 19/2002/QĐ-NS ngày 19-4-2002 của Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam về việc thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, TTQTGAN chỉ có quyền đại diện cho các chủ sở hữu QTG khi có hợp đồng ủy thác giữa chủ sở hữu QTG và TTQTGAN.

Như vậy, TTQTGAN không thể đại diện để thu tiền bản quyền của bất cứ tác phẩm nào nếu không có được hợp đồng ủy thác của chủ sở hữu QTG.

Không phủ nhận những kết quả TTQTGAN đã làm được trong quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ và bảo vệ QTG thời gian qua. Tuy nhiên, trước những bất cập trong cách thức quản lý của TTQTGAN, đã đến lúc cần có sự phối hợp, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hoạt động bảo vệ tác quyền trong lĩnh vực âm nhạc đi vào nền nếp, đúng quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc: Nhiều vấn đề khó hiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.