(HNMO) - Vào lúc 17h38 chiều 11-6 Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 10 mang theo ba phi hành gia từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền trong sa mạc Gobi thuộc tỉnh Cam Túc.
Con tàu được tên lửa đẩy Trường Chinh 2F đưa lên quỹ đạo đã định và dự kiến tàu sẽ lưu lại đây trong 15 ngày, thực hiện 2 lần lắp ghép với module Thiên Cung-1, trong đó một lần lắp ghép tự động và một lần do các phi hành gia thao tác. Ba phi hành gia sẽ thực hiện các thí nghiệm khác nhau và kiểm tra hệ thống của module.
Thần Châu 10 mang theo ba phi hành gia từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền. Ảnh: Reuters |
Đây là nhiệm vụ không gian có người lái thứ năm của Trung Quốc kể từ năm 2003. Lần này phi hành đoàn gồm 2 phi hành gia nam là Nhiếp Hải Thắng và Trương Hiểu Quang cùng một phi hành gia nữ là Vương Á Bình. Riêng Vương Á Bình là nhà nữ du hành thứ hai lên vũ trụ trong chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc, sau nữ phi hành gia Lưu Dương trên tàu Thần Châu 9 được phóng tháng 6 năm ngoái. Lần này cũng sẽ là thời gian dài nhất các phi hành gia Trung Quốc ở lại trong không gian.
Trung Quốc cũng có kế hoạch đưa tàu không người lái hạ cánh xuống mặt trăng. Thậm chí các nhà khoa học nước này còn tham vọng đưa người tới mặt trăng, nhưng không trước năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay trong khi Bắc Kinh khẳng định chương trình không gian của mình là dành cho mục đích hòa bình, thì một báo cáo Lầu Năm Góc vào tháng trước lại nhấn mạnh khả năng không gian ngày càng tăng của Trung Quốc và cho rằng Bắc Kinh đang theo đuổi một loạt các hoạt động nhằm "phòng thủ từ không gian".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.