(HNM) - Trung Quốc vừa công bố hướng dẫn về các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực tài chính, thuế, nhà ở, việc làm, giáo dục..., nhằm khuyến khích các gia đình sinh thêm con, trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu học. Các biện pháp toàn diện để khuyến khích mức sinh và hỗ trợ sinh đẻ cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, khi tốc độ tăng dân số Trung Quốc chậm lại đáng kể, dự kiến sẽ giảm dần vào năm 2025.
Có tới 17 cơ quan trung ương trực thuộc Chính phủ, như: Ủy ban Y tế quốc gia (NHS), Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, Bộ Giáo dục, Bộ Nhà ở… cùng vào cuộc để hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng tăng sinh từ 2 lên 3 con. Đây là cơ sở để các địa phương đề ra chính sách cụ thể.
Theo chính sách mới, chính quyền trung ương và các tỉnh được khuyến nghị tăng chi tiêu cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ. Chính quyền các địa phương được yêu cầu triển khai các biện pháp hỗ trợ sinh sản chủ động, trong đó có những biện pháp như trợ cấp, hoàn tiền thuế, cung cấp chương trình bảo hiểm y tế và giáo dục chất lượng tốt hơn, hỗ trợ nhà ở và việc làm cho các hộ gia đình trẻ. Các biện pháp mới còn khuyến khích người sử dụng lao động cho phép giờ làm việc linh hoạt và tùy chọn làm việc tại nhà cho nhân viên có con. Đến cuối năm 2022, tất cả các tỉnh phải bảo đảm có dịch vụ trông trẻ từ 2-3 tuổi. Giảm thuế cũng sẽ được áp dụng cho các cặp vợ chồng có con dưới 3 tuổi...
Trung Quốc từng áp dụng chính sách 1 con từ năm 1980 đến năm 2015. Trong những năm gần đây, quốc gia đông dân nhất thế giới đã chật vật tìm cách ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu học khi lực lượng lao động già hóa nhanh chóng, kinh tế chững lại và tốc độ tăng trưởng dân số cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và những nỗ lực của Chính phủ nhằm khuyến khích người dân sinh thêm con vẫn chưa thành công. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,16 vào năm 2021, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 2,1 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đối với một nước có dân số ổn định.
Dù đã chấm dứt chính sách mỗi gia đình chỉ sinh 1 con từ năm 2016 và cũng đã cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con từ năm 2021, tỷ lệ sinh tại đất nước này vẫn giảm trong 5 năm qua. NHS cho biết, mức tăng trưởng dân số của Trung Quốc dự kiến sẽ chuyển sang âm vào năm 2025 và hơn 30% dân số dự kiến sẽ ở độ tuổi trên 60 sau năm 2035. Chi phí sinh hoạt cao, kết hôn muộn, gánh nặng của các cặp vợ chồng lo cho cha mẹ già… là những yếu tố khiến người trẻ Trung Quốc ngại có con. Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng lớn về nhiều mặt cũng tác động đến việc ngại sinh con của người dân nước này.
Các chuyên gia cho biết, giải quyết những lo lắng của giới trẻ về việc sinh và nuôi con, ổn định giá nhà ở và tối ưu hóa chính sách có lợi có thể giúp giảm bớt áp lực gia tăng dân số âm. Hiện một số địa phương đã bắt đầu đưa ra biện pháp khuyến khích riêng để tăng tỷ lệ sinh. Ví dụ, huyện Long Loan của Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang đã thông báo, các gia đình có 2 con sẽ nhận được 500 nhân dân tệ (tương đương 74 USD)/tháng cho mỗi trẻ dưới 3 tuổi. Những người có 3 con sẽ nhận được 1.000 nhân dân tệ/tháng cho mỗi trẻ dưới 3 tuổi.
Các nhà nhân khẩu học Trung Quốc dự đoán, tăng trưởng dân số âm sẽ là xu hướng chủ đạo trong những năm tới, nên việc cải thiện chất lượng dân số tổng thể là rất quan trọng đối với quốc gia 1,4 tỷ dân này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.