(HNM) - "Jerusalem là thủ đô lâu đời và không thể chia cắt của Israel", tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, (12-12) một lần nữa dập tắt mọi hy vọng vãn hồi tiến trình hòa bình Trung Đông đang trong cơn bế tắc.
Thẳng thừng bác bỏ đề xuất đưa Jerusalem trở thành thủ đô chung của cả người Do Thái và người Palestine mà Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Ehud Barak, đưa ra trước đó chỉ vài ngày, ông B.Netanyahu kiên quyết bảo vệ lập trường chưa hề thay đổi rằng, việc chia sẻ vùng đất thánh cho hai nước không phản ánh quan điểm của Chính phủ Israel. Đây không phải là lần đầu tiên vị thủ tướng được xem là cứng rắn nhất Israel trong thập kỷ này bày tỏ thái độ quyết liệt và không nhượng bộ về lãnh thổ, điều mà Nhà nước Do Thái xác định là cốt yếu thuộc chủ quyền và an ninh quốc gia. Hồi tháng 9, ông B.Netanyahu từng phản đối quan điểm của Ngoại trưởng Avigdor Lieberman về một hiệp định Israel - Palestine nhằm chia hầu hết khu vực Arab cho Palestine như là một giải pháp khơi thông quá trình đàm phán hòa bình đầy trắc trở đang tiến vào ngõ cụt.
Một góc Jerusalem. Ảnh: Quốc Chính |
Hòa bình cho Trung Đông hơn bao giờ hết đang đứng trước những thời điểm thử thách gay gắt. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy Tel Aviv sẽ ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái tại những vùng đất Israel có được sau cuộc chiến năm 1967. Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Mahmoud Abbas chưa bao giờ thay đổi mục tiêu thành lập một Nhà nước Palestine độc lập trên cơ sở đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Jerusalem. Theo đó, Dải Gaza và khu Bờ Tây phải thuộc lãnh thổ của quốc gia mới. Ngoài ra, việc đình chỉ xây dựng các khu định cư của Israel là điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán trực tiếp. Sự ngờ vực về tương lai chưa có lối thoát của các cuộc hòa đàm càng dâng cao sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây thừa nhận thất bại trong các nỗ lực thuyết phục đồng minh thân thiết tại Trung Đông từ bỏ kế hoạch xây dựng các khu Do Thái mới được trong vòng 90 ngày. Điều này lộ rõ ngay cả khi Israel và Palestine ra thông báo cử đại diện đến Mỹ đàm phán nhằm tìm kiếm bước đi mới dẫn đến bàn đàm phán hòa bình. Hành động này của Nhà Trắng phát đi thông điệp rằng, tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn liên tục và Washington chưa bao giờ lãng quên vai trò kết nối. Tuy nhiên, cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong ít ngày tới được dự báo là khó có bước đột phá vì cả Israel và Palestine cho đến nay đều chưa tìm được điểm chung trong vấn đề lãnh thổ.
Không ít người đặt câu hỏi lý do nào khiến Tel Aviv bất ngờ bỏ "ngoài tai" lời kêu gọi của nhà bảo trợ Mỹ? Thậm chí chấp nhận sự căng thẳng ngoại giao hiếm hoi với Washington khi khăng khăng không lùi bước trong vấn đề lãnh thổ (gần đây nhất là kế hoạch mở rộng khu định cư Do Thái, đặc biệt tại Đông Jerusalem) cho dù phải hứng chịu búa rìu dư luận? Nhiều nhà phân tích đã nói tới lịch sử của thành phố cổ kính bậc nhất thế giới, nơi hội tụ của 3 tôn giáo lớn là Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái và cũng là khởi nguồn cho những tranh chấp dai dẳng tại Trung Đông. Vùng đất thiêng này có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Israel tới mức Jerusalem là vấn đề không thể nhượng bộ và không một chính phủ nào của Israel có thể dễ dàng thỏa hiệp nếu muốn tồn tại. Điều đó có nghĩa rằng, nút thắt trọng yếu này vẫn là một thách thức lớn và không thể là câu chuyện một sớm một chiều.
Đi tìm hòa bình cho Trung Đông không chỉ là nhiệm vụ của Israel và Palestine mà còn là mối quan tâm lớn của Mỹ. Cho dù đã có sự chuyển biến đáng kể về quan điểm đối với đồng minh Israel, nhưng về lâu dài, quốc gia Do Thái vẫn nắm giữ lợi ích chiến lược của Washington trong khu vực. Vẫn biết rằng mỗi ngày qua đi là một ngày cánh cửa hòa bình khép chặt thêm tại Trung Đông và sự bất ổn chẳng mang lại lợi ích cho ai. Thế giới đang dõi theo sự chèo lái của nước Mỹ để ước muốn được thấy một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel mà cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush đã từng tin tưởng khi khởi động Hội nghị quốc tế về Trung Đông ở Maryland cuối năm 2007 sớm trở thành hiện thực. Thế nhưng, giấc mơ này vẫn quá xa vời khi những cơ hội hòa bình luôn vuột khỏi tầm tay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.