Xây dựng

Trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài: Chìa khóa mở ra “Thành phố trong Thủ đô”

TS.KTS Vũ Hoài Ðức 19/10/2023 - 06:10

Đường Võ Nguyên Giáp, tuyến đường kết nối trung tâm Thủ đô với sân bay Nội Bài đang giữ vai trò lớn thay vì chỉ là một cơ sở hạ tầng giao thông.

Nhìn ở khía cạnh chiến lược phát triển không gian và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đường Võ Nguyên Giáp (hay còn gọi là trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài) chính là nhân tố không gian cốt lõi, động lực phát triển mới cho mô hình “Thành phố trong thành phố” ở Thủ đô, vị trí tiềm năng trong phát triển khu vực sông Hồng và kết nối các không gian lịch sử với đương đại trong tương lai.

donganh.jpg

Động lực cho mô hình “Thành phố trong thành phố”

Tháng 12-1978, Quốc hội quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và một trong những mục tiêu là chuẩn bị cho việc đưa sân bay quân sự Đa Phúc (tên gọi cũ của sân bay Nội Bài) trở thành Cảng hàng không quốc tế của Thủ đô thay thế cho sân bay Gia Lâm có vị trí bất lợi khi kề cận khu vực nội thành...

20 năm sau, một chiến lược chưa có tiền lệ về phát triển không gian được Chính phủ quyết định, Hà Nội được phép phát triển lên phía Bắc sông Hồng theo điều chỉnh quy hoạch chung năm 1998. Cần nhớ rằng, ở thời điểm cách đó hơn 2.200 năm, chỉ có thành Cổ Loa hình thành như một “thành phố cổ đại”, và sau đó, chưa bao giờ vấn đề phát triển đô thị ở bờ Bắc sông Hồng được đặt ra bởi các lý do về chính trị - quân sự. Có lẽ đây là bước khởi đầu cho Thủ đô bước lên tầm cao mới trong thế kỷ XXI.

Khác với phía Nam sông Hồng, nhìn tổng thể, có thể thấy việc phát triển thành phố về phía Bắc đã được Hà Nội tiến hành những bước đi thận trọng và có tính toán, khi đầu tư hệ thống khung hạ tầng giao thông hiện đại một cách bài bản trong hơn 30 năm qua. Hai tuyến trục Bắc - Nam kết nối sân bay Nội Bài và huyện Sóc Sơn đã hình thành, đồng thời với các khu công nghiệp (KCN) thu hút vốn đầu tư nước ngoài quan trọng như KCN Bắc Thăng Long và Khu chế xuất Nội Bài. Tuyến đường Trường Sa hình thành xâu chuỗi toàn bộ không gian địa lãnh thổ, địa kinh tế ở khu vực tả ngạn dòng sông Hồng của Hà Nội: Gia Lâm - Đông Anh - Mê Linh. Đông Anh, với hạt nhân là không gian di sản Cổ Loa lịch sử và không gian cảnh quan đầy tiềm năng - đầm Vân Trì..., tất cả dường như được chuẩn bị, dồn nén như một chiếc “lò xo” chỉ chờ bật. Và trục đường mang tên vị tướng tài danh Võ Nguyên Giáp với vị trí trung tâm chính là động lực, “chìa khóa” mở ra cánh cửa mới - Thành phố trong Thủ đô, khi hội tụ đầy đủ những thành tố quan trọng: Quỹ đất rộng lớn, không gian cảnh quan trải rộng, quỹ di sản - văn hóa..., và những dự án tạo tiền đề phát triển đô thị cùng với kết cấu hạ tầng đầu mối toàn diện.

Ứng xử thông minh, hướng tới phát triển bền vững

Không nằm ngoài guồng quay của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão, đô thị thông minh đã sử dụng thành quả của cuộc cách mạng này như một công cụ để ứng xử thông minh trong quy hoạch, quản lý phát triển thành phố, đặc biệt là các thành phố mới tại khu vực Bắc sông Hồng.

Bởi, đây sẽ là nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trong tương lai, và sự phát triển bền vững của trục đô thị thông minh hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của thành phố. Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, là công việc quan trọng hướng đến mục tiêu dài hạn, xuất phát từ lợi ích tổng thể, cân nhắc toàn diện giữa lợi ích cục bộ và lợi ích tổng thể, lợi ích ngắn hạn và lợi ích dài hạn, lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội của Thủ đô và đất nước. Xét trên góc độ đó, việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững quy hoạch đô thị thành phố mới Bắc sông Hồng có ý nghĩa to lớn.

Việc chuyển hóa chủ trương phát triển bền vững trong quá trình quy hoạch đô thị thông minh hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài là thái độ, hành động tôn trọng thiên nhiên với sự tồn tại của sông Thiếp - đầm Vân Trì, sông Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ mà tuyến đường cắt qua. Thiên nhiên đã ưu đãi cho khu vực một môi trường tự nhiên đầy giá trị. Đưa môi trường tự nhiên đó trở thành một bộ phận trong thành phố mới là cách ứng xử thông minh của thời đại. Một thành phố mới ra đời, tác động của các hoạt động phát triển đối với cấu trúc xã hội ở các địa phương phía Bắc sông Hồng là rất lớn. Những chính sách mới nhấn mạnh đến sự gắn kết, hòa nhập và kết nối xã hội giữa cư dân bản địa với người dân đô thị mới cần được ra đời nhằm giảm thiểu các mâu thuẫn, đảm bảo mọi người dân có thể dễ dàng được hưởng các tiện ích về y tế, nhà ở, giáo dục, kinh doanh và giải trí.

Trục đường Nhật Tân - Nội Bài còn là nơi lan tỏa tinh thần của một nơi chốn sống an toàn, lành mạnh và no đủ cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, người khuyết tật, mức thu nhập... Muốn vậy, cần tạo lập sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng công cộng, chăm chút việc chỉnh trang, bảo tồn các làng xóm cũ trong suốt tiến trình phát triển không gian đô thị hai bên tuyến đường.

Điều chỉnh quy hoạch chung lấy trục đô thị thông minh hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài làm trung tâm cần có tư duy phát triển linh hoạt, đảm bảo cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ để đáp ứng hoạt động kinh tế cũng như những biến đổi có thể xảy ra, xác định cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế tiềm năng trong quá trình hình thành thành phố mới trực thuộc Thủ đô.

Lịch sử đô thị đã có những bài học được đúc kết lại: Đô thị trong quá trình phát triển sẽ mất đi hoặc mai một những giá trị truyền thống. Đó là điều cần tránh khi phát triển trục đô thị thông minh Nhật Tân - Nội Bài. Nằm ở vị trí trung tâm kết nối các khu vực đô thị lịch sử, hồ Tây, sông Hồng, núi Sóc, thành Cổ Loa..., tuyến đường mang tên vị tướng huyền thoại phải là cầu nối cho sự phát triển hài hòa giữa lịch sử và tương lai, là điểm nhấn đặc sắc về tính liên tục trong quá trình phát triển đô thị của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài: Chìa khóa mở ra “Thành phố trong Thủ đô”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.