Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Bảo đảm đúng tiến độ

Bảo Hân| 12/05/2023 06:22

(HNM) - Đầu tháng 5-2023, cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã thương thảo, chuẩn bị ký hợp đồng với liên danh tư vấn. Đây là bước chuyển quan trọng, đưa việc lập Quy hoạch Thủ đô vượt qua khó khăn lớn nhất, bước sang giai đoạn tiếp theo, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định 5 trục phát triển quan trọng, trong đó trục sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Ảnh: Nguyễn Quang

“Kết nối” các đơn vị tư vấn đầu ngành

Với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai đồng thời, đồng bộ các bước, rút gọn quy trình thủ tục, đồng thời bảo đảm quy định; đặc biệt là đã liên hệ, mời các chuyên gia, nhà khoa học để tham vấn, hướng dẫn cơ quan lập quy hoạch là Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Liên quan đến việc lựa chọn đơn vị tư vấn, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hoàn thành trước ngày 22-2-2023. Liên danh nhà thầu tham gia gồm 7 đơn vị, là các viện nghiên cứu đầu ngành, các trường đại học, các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành. Đầu tháng 5-2023, cơ quan lập quy hoạch đã phối hợp cùng đơn vị liên quan đánh giá hồ sơ dự thầu, thương thảo để ký hợp đồng chính thức.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, việc lựa chọn đơn vị tư vấn là nhiệm vụ khó khăn, ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến độ lập quy hoạch thời gian qua. “Quy hoạch Thủ đô lần đầu tiên được thực hiện theo phương pháp tích hợp với 17 lĩnh vực và 30 nội dung, thực sự là bài toán khó đặt ra cho bất cứ đơn vị tư vấn nào. Sau quá trình đánh giá, lựa chọn, việc hình thành liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị, tập hợp nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau cho thấy đây là bước đổi mới và được kỳ vọng sẽ đáp ứng các thách thức, yêu cầu đặt ra”, ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, sau khi lựa chọn được đơn vị tư vấn, Viện sẽ tiếp tục làm việc về các lĩnh vực liên quan đến nội dung lập quy hoạch. Đến nay, hầu hết các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã có báo cáo bước đầu rà soát việc lập quy hoạch của ngành, địa bàn phụ trách; giai đoạn tới sẽ triển khai các bước cụ thể và chi tiết hơn, như lập các phương án quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.

Khẩn trương và nghiêm túc

Theo tờ trình gửi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về tình hình triển khai và đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Ban Cán sự đảng UBND thành phố dự kiến 2 phương án: Tiến độ lập đáp ứng yêu cầu của Thường trực Thành ủy, trong đó yêu cầu chuẩn bị các nội dung để trình Quốc hội vào tháng 10-2023; hoặc đáp ứng yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó xác định thời gian thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô vào tháng 12-2023.     

Tại Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-4, liên quan đến lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương theo quy định; đặc biệt là công khai, lấy ý kiến nhân dân Thủ đô để vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung.

Theo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, nguyên tắc lập quy hoạch là bảo đảm có tính “động” tương đối, tính “mở” và tính “thông minh” để kịp thời điều chỉnh, cập nhật các nội dung liên quan phù hợp với từng thời điểm triển khai quy hoạch; chuyển tải đầy đủ tư tưởng chỉ đạo tại các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là các nghị quyết có liên quan đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quá trình triển khai các công việc sắp tới phải rất khẩn trương, nghiêm túc. Bởi vì, hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu là Quy hoạch Thủ đô được lập theo phương pháp tích hợp, một số nội hàm hay quy định chưa được làm rõ trong các luật, gây khó khăn về quản lý nhiệm vụ, trình tự thủ tục dự toán, thanh quyết toán vốn đầu tư công đối với nhiệm vụ quy hoạch…

Vì nội dung công việc tiếp theo rất lớn, có nhiều nội dung khó và phức tạp, nên các đơn vị liên quan, đặc biệt là liên danh tư vấn phải đặt quyết tâm lớn, triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ thời gian từng tuần, từng ngày để phấn đấu hoàn thành quy hoạch theo kế hoạch đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Bảo đảm đúng tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.