Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong trẻo ngòi bút tuổi 15

Hà Dương| 31/08/2013 08:06

(HNM) - Đan Thi đã có chút vốn liếng văn chương và giải thưởng khi 3 lần đoạt giải A cuộc thi Cây bút tuổi hồng do TƯ Đoàn, Báo Thiếu niên tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức; là tác giả tập truyện

Nhà văn Tạ Duy Anh từng nhận định rằng: Thành công quá sớm thường đi kèm với sự ngộ nhận. Nhưng đọc hơn 150 trang "Nào hát lên giai điệu gió" thì ông thở phảo vì "có thể yên tâm về một Đan Thi đang khao khát vượt lên bản thân. Rất trong sáng để có thể nói ra những điều trái ngược của tuổi niên thiếu một cách hồn nhiên, thuận tai". Phải nói đúng là khi ra sách năm 12 tuổi, Đan Thi đã trở thành một trong những tác giả trẻ nhất có sách. Nhưng cứ để ý thì thấy, cô bé này không bị rơi vào những ồn ào mà một số tác giả, dịch giả nhỏ tuổi khác từng phải gánh chịu.

Sự tĩnh lặng cho Đan Thi cảm xúc để kể với bạn đọc một cách tự nhiên hơn 20 câu chuyện nữa ở tập sách mới này, trong đó hầu như không có giới hạn về đề tài. Từ cảm xúc về những chiếc chuông gió gắn kết tác giả với cha, bác lao công ở trường và cả những em bé mồ côi… đến câu chuyện về lòng tự tin của con người qua hình ảnh một cô bé nói lắp, hay những ám ảnh về tuổi thơ trống vắng của anh em cậu bé Đạt… Bên cạnh đó, lại có nhiều chuyện mang âm hưởng cổ tích như "Cây thuốc thần kỳ" hay có chất truyền thuyết giải thích về đời sống tự nhiên như "Cổ tích bốn mùa", thậm chí gửi gắm cả những suy ngẫm triết lý như "Trở về tuổi thần tiên"…

Đọc Đan Thi, ta được thoải mái trong một thế giới rất hồn hậu, đầy mơ ước và trong trẻo. Từ đây, chúng ta nghĩ, sự cổ vũ của những người đi trước có lẽ không phải là để các em nhất thiết phải trở thành nhà văn mà trước hết là để nhân rộng những mầm chân - thiện - mỹ nảy nở trong suy nghĩ và trang viết của các em. Bên cạnh đó là khuyến khích sự thể hiện và rèn rũa văn phong - thứ mà nhiều sinh viên và cả người trưởng thành lắm khi vẫn còn… lập cập. Cũng giống như nhà văn Đỗ Bích Thúy nói về tiểu thuyết của cậu bé Nguyễn Bình: "Chưa bàn đến văn chương mà chỉ riêng việc thể hiện một cách sáng sủa câu chuyện với tư duy mạch lạc của một tác giả nhỏ tuổi như vậy cũng khiến chúng ta phải khâm phục, trân trọng".

Đan Thi cũng vậy, những câu văn không có bóng dáng trau chuốt, gọn ghẽ kiểu nhà nghề nhưng tất cả đều trong sáng, rõ ràng và đầy cảm xúc: "Trăng tỏa ánh xanh dìu dịu, man mác nhưng vẫn ẩn hiện một vẻ ma mị sao đó. Thằng Cát vốc một nắm cát, ánh trăng trùm lên vốc cát, đẹp tuyệt vời" và "Nỗi sợ lớn nhất của em là… phải trưởng thành. Em sợ sau này lớn lên, em sẽ thờ ơ với vài thứ và sẽ phải lo nghĩ nhiều hơn bây giờ".

Ai cũng biết lao động trên trang viết là thứ lao động vô cùng nhọc nhằn, thậm chí cô đơn. Vậy thì đối với một cô bé tuổi 15, để có thể bỏ qua những trò giải trí thời hiện đại đang tràn ngập khắp nơi và ngồi vào bàn viết, chúng ta hiểu, những mối quan tâm của Đan Thi phải sâu sắc với em đến mức nào.

Và người viết, lứa tuổi nào cũng vậy, đều phải sống và nghĩ sâu sắc trước khi cầm bút!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong trẻo ngòi bút tuổi 15

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.