(HNMCT) - Mặc dù đã thực hiện nhiều cuộc hội thảo về văn học, liên tiếp các buổi ra mắt sách mới của các tác giả được tổ chức... cho thấy một bầu không khí văn chương đang khá sôi nổi, tuy nhiên số lượng tác phẩm vẫn không “át” được mong muốn về những tác phẩm “ra tấm ra món” của rất nhiều độc giả và cả giới chuyên môn khi nhắc đến thị trường văn học và định hướng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới.
Bức tranh văn học nghệ thuật những năm trở lại đây vô cùng đa sắc. Tiếp nối dòng mạch chính chủ nghĩa yêu nước, sự gắn bó với dân tộc, nhân dân, phản ánh đời sống lao động, đấu tranh và xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới thì nội dung đề tài phản ánh của văn học nghệ thuật ngày càng được mở rộng trên nhiều bình diện, nhiều góc cạnh khác nhau dưới nhiều thể loại mới. Đặc biệt, khá nhiều tác giả trẻ đã và đang thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường văn học bằng khuynh hướng hiện đại hóa các phương thức biểu hiện, tích cực tìm tòi, thể nghiệm hình thức diễn đạt mới.
Song, dẫu số lượng tác phẩm ngày một nhiều, trong đó có không ít tác phẩm hay, thì cũng không thể phủ nhận đời sống văn học đương đại vẫn thiếu những “tác phẩm lớn” - như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đã nhận định. Nhiều năm giải thưởng văn học bị “mất mùa”, không có tác phẩm thơ hay văn xuôi nào được trao tặng. Thị trường văn học khá sôi động và nhiều màu sắc nhưng dường như đang phát triển ở bề nổi, bề rộng thay vì chiều sâu và tầm cao. Tác phẩm lớn phản ánh hơi thở thời đại vẫn còn đang ở đâu đó phía trước, trong khi các tác phẩm làng nhàng thì như “nấm mọc sau mưa”.
Theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, hằng tháng, “riêng Thủ đô Hà Nội có thể có tới hơn 100 tập thơ được xuất bản, phần lớn là thơ của các tác giả thuộc các câu lạc bộ thơ ở các phường xã, quận huyện. Đó là chưa kể các tập tản văn, truyện ngắn, sưu tầm nghiên cứu... Tôi nghĩ đó là một hiện tượng đáng mừng. Văn thơ là tình yêu lớn của đa số người dân Việt. Và việc muốn sáng tác để ghi lại dấu ấn thời đại mình đang sống, hy vọng là kỷ vật cho con cháu đời sau là mong muốn đáng quý và cao đẹp. Nhưng, để ngoài con cháu chúng ta ra, có còn ai đọc tác phẩm của ta nữa không lại là một điều khác”.
Rõ ràng, song song với khuynh hướng khám phá, thể nghiệm và thiên về "vị nghệ thuật" thì khuynh hướng khai thác văn học giải trí phục vụ đối tượng bạn đọc phổ thông, bình dân đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nhiều “nhà văn mạng xã hội” ra đời, nhiều “tác phẩm mì ăn liền” được số đông bạn đọc hưởng ứng với những số lượng bản in và lượt tái bản đáng mơ ước. Quy luật của thị trường luôn khắc nghiệt, song nếu các tác phẩm hay còn thiếu “bệ đỡ” thì nhiều tác phẩm chưa hay của dòng “văn học fast food” lại được tô hồng, thổi phồng bằng đủ các chiêu PR nhằm hút sức mua của độc giả. Điều này đang đặt ra bài toán về thị hiếu thẩm mỹ của bạn đọc ngày nay cũng như đòi hỏi sự quan tâm đúng mức và có giải pháp thỏa đáng để các phong trào văn nghệ được phát triển sâu rộng từ các địa phương, đồng thời làm tăng số lượng công chúng yêu nghệ thuật, nâng cao trình độ cảm thụ văn học nghệ thuật của người dân, hướng tới xây dựng một thế hệ biết thưởng thức cái đẹp, cái hay, thay vì chạy theo những giá trị nhất thời, hời hợt.
Một trong những lý do để xu hướng sáng tác giải trí và bình dân hóa này ngày càng phát triển còn chính ở khâu lý luận phê bình lâu nay đang bị buông lỏng. Nhiều năm trở lại đây, các bài lý luận ra đời nhiều hơn phê bình. Mà trong công tác phê bình cũng vướng những nút thắt với hai kiểu nguy cơ như nhà thơ Vũ Quần Phương đã chỉ ra, đó là: “Kiểu phê bình thân hữu tràn ngập. Tác giả bỏ tiền thuê người viết. Cố nhiên tham gia viết thuê kiểu này không phải là các cây bút nghiêm túc, nhưng khá đông”. Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu - dịch giả Cao Việt Dũng, trong buổi thuyết trình về lịch sử báo chí đã “than” rằng, hiện nay trên mặt báo chỉ có giới thiệu sách theo thông cáo báo chí của nơi làm sách, chứ không có phê bình, không có “đọc cái sự đọc” như báo chí ngày trước. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học nghệ thuật những năm vừa qua đã chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán các biểu hiện sai trái, lệch lạc, thẩm định tác phẩm còn thiếu chính xác.
Đã qua rồi thời kỳ bao cấp sản phẩm văn hóa nghệ thuật, giờ đây các tác phẩm văn học nghệ thuật cùng với giá trị tinh thần của nó đã trở thành hàng hóa và tuân theo quy luật của thị trường. Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm, cho rằng, “việc chấp nhận và thể hiện chức năng giải trí như là một nhu cầu của công chúng nghệ thuật bên cạnh các chức năng cơ bản khác, là một dấu hiệu mới góp phần mở rộng ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật và đáp ứng một nhu cầu chính đáng của công chúng”. Quy luật thị trường có tác động tích cực đối với người sáng tạo và công chúng, đồng thời cũng xuất hiện một số tác động tiêu cực đối với đời sống văn nghệ như xu hướng thương mại; xu hướng bạo lực, giật gân, câu khách..., thậm chí có những thái độ dễ dãi, lệch lạc, thậm chí xuyên tạc lịch sử; thổi phồng những mặt tiêu cực của cuộc sống hiện tại vì những mục đích ngoài văn chương. Bởi thế, công tác định hướng cho sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng đã ban hành từ thời kỳ đổi mới đến nay, có hai nhiệm vụ chủ yếu về văn học nghệ thuật luôn được đặt ra, đó là “phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; và từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”. Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, việc thực hiện hai nhiệm vụ này “đòi hỏi phải có thời gian và những điều kiện cần thiết. Mặc dù đã tiến hành nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, đề xuất các kiến nghị giải pháp nhưng kết quả đến nay còn rất khiêm tốn. Tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao vẫn là điều đang chờ đợi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.