(HNM) - Với sự chứng kiến của đại diện FIFA, Điều lệ sửa đổi, bổ sung của LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã được thông qua chiều 5-1 tại đại hội thường niên.
Đại hội thường niên VFF năm 2013. Ảnh: VNN |
Tại đại hội thường niên LĐBĐ Việt Nam ngày 5-1, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn nêu ra những vấn đề khiến người trong cuộc không dễ trả lời trong một sớm một chiều: "Trên chặng đường gập ghềnh, gian nan của bóng đá Việt Nam, có lẽ năm 2013 vừa qua là năm niềm tin và sự kỳ vọng của người hâm mộ bị tổn thương; uy tín, danh dự của tổ chức bị đụng chạm. U23 Việt Nam thất bại thảm hại, nguyên nhân thuộc về đâu? Có phải bóng đá Việt Nam đang thực sự khủng hoảng hay không? Nếu có, trách nhiệm thuộc về ai?". Ông Tuấn nhấn mạnh: "Tại hội nghị thường niên này, dù chúng ta có hay không muốn mổ xẻ những nguyên nhân, trách nhiệm về tình hình của bóng đá nước nhà trong thời gian qua, thì sự thật vẫn là sự thật, bóng đá Việt Nam cần lấy lại niềm tin, danh dự". Và rằng, "đường ray" của chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đã được đặt ra - đó là Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vấn đề là "đầu máy" và "những toa tàu" vận hành như thế nào?"… Phát biểu của Thứ trưởng đã thực sự làm "nóng" bầu không khí hội nghị. Ông Tuấn cũng đề cập đến những thách thức, khó khăn mà bóng đá Việt Nam phải đối mặt trong năm 2014, khẳng định việc vực dậy bóng đá Việt Nam không chỉ bằng cách hoạch định định hướng mùa giải này, điều chỉnh HLV kia, mà vấn đề then chốt là tập trung để "bắt đúng bệnh", "bốc đúng thuốc", "uống đúng liều" cho bóng đá Việt Nam, vì danh dự, lấy lại niềm tin của bóng đá Việt Nam.
Nhưng tất cả những vấn đề lớn ấy chưa thể có câu trả lời thỏa đáng. Theo Quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, "đây mới chỉ là đại hội thường niên với nhiệm vụ lớn nhất là thông qua Điều lệ VFF theo chuẩn mực FIFA. Chỉ sau khi thông qua điều lệ này, FIFA mới cho tổ chức đại hội trên cơ sở điều lệ mới đó". Trước câu hỏi của báo giới, rằng "vai trò của Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030" sẽ được thể hiện như thế nào trong nhiệm kỳ tới, ông Dũng trả lời: "Đến đại hội nhiệm kỳ sẽ có chương trình hành động, kế hoạch phát triển bóng đá Việt Nam".
Chưa mổ xẻ sâu các vấn đề, nhưng BCH và Thường trực BCH VFF cũng đã phần nào nghiêm túc chỉ ra những tồn tại trong hoạt động năm 2013. Ví như việc một số CLB bóng đá giải thể, ngừng hoạt động dẫn đến sự mất ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng các giải thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp và kết quả thi đấu của ĐTQG, U23 Việt Nam hay việc phối hợp chỉ đạo điều hành của VFF với Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) còn có những hạn chế. Đáng chú ý, VFF thừa nhận việc giao quyền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp cho VPF đã dẫn đến việc giảm phần lớn nguồn thu của VFF để tổ chức các hoạt động bóng đá ngoài chuyên nghiệp, hoạt động của các đội tuyển quốc gia…
Đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2014, VFF đặt mục tiêu tập trung chuẩn bị tốt nhất cho đội tuyển bóng đá quốc gia tham dự Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2014 (Việt Nam đăng cai 1 bảng). VFF cũng xác định trọng điểm đầu tư cho đội tuyển bóng đá quốc gia nữ tham dự VCK ASIAN Cup 2014, tranh suất tham dự World Cup 2015, còn ĐT U19 Việt Nam đặt mục tiêu tranh suất tham dự World Cup U20 thế giới. Thành công hay không, phải bắt đầu từ việc đúc rút bài học kinh nghiệm trong quá khứ. Muốn biết "đầu máy" và "những toa tàu" sẽ vận hành bóng đá Việt Nam như thế nào, trước tiên, phải chờ xác định bộ máy nhân sự cho nhiệm kỳ mới tại Đại hội nhiệm kỳ VII trung tuần tháng 2 tới đây.
Tất cả đang trông chờ vào sự đổi thay của Liên đoàn và các tổ chức thành viên!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.