(HNM) - Ngày 5-3 là dấu mốc vô cùng quan trọng đối với Bệnh viện (BV) Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh) bởi những ca can thiệp tim mạch đầu tiên do các bác sĩ BV thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Tim Hà Nội đã thành công tốt đẹp.
Niềm vui hiện rõ trên gương mặt của những người thầy thuốc, nỗi âu lo đã vơi bớt trong ánh mắt của những người bệnh. Nhưng có lẽ người vui nhất là PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Tim Hà Nội, vì anh đã tiếp tục biến ước mơ đưa kỹ thuật tiên tiến tới gần hơn với người bệnh của người thầy GS.TS Phạm Gia Khải, cũng như của anh và các đồng nghiệp trở thành hiện thực. Và còn vì bằng việc làm thiết thực này, Viện Tim Hà Nội đã thực hiện hiệu quả chương trình "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội", để Thủ đô xứng là trái tim của cả nước.
Một ca can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy. |
"Câu chuyện" không dang dở
4 giờ sáng 5-3, chúng tôi lên đường đến với 20 bệnh nhân đang chờ được chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tim mạch bằng các kỹ thuật tiên tiến mà trước đây, nếu muốn họ phải về Hà Nội với những nỗi vất vả ngoài bệnh tật. Quãng đường gần 200km như ngắn lại nhờ những câu chuyện không dứt về nghề, về những việc mà Viện Tim Hà Nội đã triển khai và cả những dự định lớn lao có thể mang lại cuộc "cách mạng" cho hệ thống y tế cơ sở. Nói về công tác chuyển giao kỹ thuật cho BV các tỉnh, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn tâm sự: Ngày trước, thầy Phạm Gia Khải dạy chúng tôi rằng, nước ta còn nghèo, nếu phát triển y tế theo lộ trình truyền thống thì không biết bao giờ người dân mới được tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến. Bởi thế, phải đi tắt đón đầu. Bằng cách làm này, ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam đã sánh vai với khu vực và ngẩng cao đầu với thế giới. Chúng tôi đã ngồi cùng bàn, nói cùng câu chuyện về chuyên môn với các chuyên gia tim mạch nổi tiếng. Nhưng nếu những kỹ thuật tiên tiến mà chúng tôi đã làm chủ ấy chỉ được áp dụng tại các BV trung ương, BV của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thì "câu chuyện" trên vẫn còn dang dở.
Để người bệnh ở các vùng xa, nơi kinh tế xã hội và trình độ y tế chưa thực sự phát triển được chẩn đoán và điều trị bằng trang thiết bị hiện đại, phương pháp điều trị tiên tiến do chính các thầy thuốc địa phương thực hiện, hay như cách nói của PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn là để "câu chuyện" được trọn vẹn, Viện Tim Hà Nội đã mang kỹ thuật can thiệp tim mạch tới hơn 20 BV trên toàn quốc. Quy trình chuyển giao công nghệ được Viện áp dụng thành công là đào tạo nhân lực; tư vấn xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; cử toàn bộ êkíp tới nơi nhận chuyển giao để "cầm tay chỉ việc" từ đánh giá bệnh nhân, tổ chức phương án triển khai cho đến thực hiện cụ thể trên từng ca bệnh. Đến Trung tâm Can thiệp tim mạch của BV Bãi Cháy, tôi mới hiểu vì sao, không chỉ truyền nghề xong là được coi hoàn thành việc chuyển giao công nghệ. Nếu các khoa, phòng, các bộ phận không được sắp xếp một cách khoa học và hợp lý thì vừa vất vả, vừa mất thời gian cho các cán bộ y tế lẫn người bệnh, cản trở khả năng tương tác giữa các bộ phận, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc, điều trị thậm chí là tính mạng người bệnh. Nếu không tư vấn mua sắm trang thiết bị cho phù hợp với khả năng điều trị của cơ sở cũng như nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thì sẽ lãng phí. Những kinh nghiệm ấy được Viện Tim Hà Nội đúc rút từ quá trình đổi mới thành công đã được truyền lại cho BV tuyến dưới để các đơn vị này không phải trả giá cho những sai lầm. Song quan trọng nhất là phải làm thế nào để các BV không mắc sai sót về chuyên môn, điều sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ, của BV và giảm hiệu quả của công tác chuyển giao kỹ thuật. Để đạt được mục tiêu này, chuẩn bị đội ngũ là khâu quan trọng nhất, tuy nhiên chỉ đào tạo để họ làm chủ được kỹ thuật chưa đủ. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn ví von: Khi về Hà Nội học, anh chị em mới như một đứa trẻ đang tập bò. Sau thời gian đào tạo, họ đã biết đi, nhưng chưa vững. Nếu để anh em tự đi, có thể vẫn thành công, nhưng nếu có vấp ngã thì cái giá phải trả là uy tín, không chỉ của bản thân người thầy thuốc mà cả của BV. Nhưng quan trọng nhất là sự an toàn tính mạng cho người bệnh. Vì thế, chúng tôi vẫn phải có thời gian "dắt" họ đi, cho đến khi anh em thực sự vững vàng. Thế nên, hôm nay, Viện Tim Hà Nội xuống Bãi Cháy cả một êkíp, từ lãnh đạo, bác sĩ giỏi cho đến y tá, điều dưỡng, để kịp thời ứng phó khi cần thiết.
Ý nghĩa, tầm quan trọng của cách làm này, như TS Bùi Văn Quế, Giám đốc BV Đa khoa Bãi Cháy khẳng định: "Các bác sĩ Viện Tim Hà Nội không chỉ chuyển giao về kỹ thuật mà còn mang đến cho chúng tôi chỗ dựa về mặt tinh thần, đặc biệt trong những ca đầu tiên. Niềm tin này rất quan trọng bởi dù chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu cũng khó mà lường trước được những gì sẽ xảy ra. Nhưng có Viện Tim Hà Nội bên cạnh, chúng tôi không lo sẽ bị bất ngờ trước mọi tình huống".
Giảm tải chỉ như "phần nổi của tảng băng chìm"
20 ca đầu tiên thành công, trong đó có 2 ca được đặt sten, đã cho thấy các bác sĩ ở BV Đa khoa Bãi Cháy làm chủ được kỹ thuật can thiệp tim mạch. Chưa đến 2 năm kể từ ngày Giám đốc TS Vũ Văn Quế tìm đến PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn đặt vấn đề hỗ trợ chuyên môn, một BV tuyến tỉnh có một trung tâm can thiệp tim mạch và tự tin vận hành nó thực sự là một kỳ tích. Đây là kết quả của sự quyết tâm của cả hai đơn vị cũng như của tỉnh Quảng Ninh. Thành công này đã mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội không đo đếm được.
Sau 15 phút được chuyển vào phòng thông tim, bệnh nhân Trương Thuận Phong, 42 tuổi đã được các bác sĩ tìm ra nguyên nhân khiến anh có những cơn đau ngực, tăng huyết áp. Động mạch phải của anh bị hẹp 30%, song anh chỉ phải điều trị nội khoa, không phải can thiệp. Nằm ở phòng chờ bên cạnh, bệnh nhân Nguyễn Ngọc Dương 50 tuổi vào viện với triệu chứng đau tức ngực trái tỏ ra khá bình tĩnh. Anh cho biết, anh hoàn toàn tin tưởng vào các bác sĩ và cho rằng những bệnh nhân như anh rất may mắn vì không phải ra Hà Nội vẫn được chẩn đoán và điều trị bệnh. Ở đây, người thân đỡ vất vả, BV lại sạch sẽ, thoáng mát, bệnh nhân không phải nằm ghép, bác sĩ thân thiện và tận tình. Chị Nguyễn Thị Đức, ngồi chờ người nhà là bệnh nhân Nguyễn Đình Vinh 54 tuổi bị huyết áp cao, tâm sự: "Bây giờ có Trung tâm Can thiệp tim mạch tại BV tỉnh rồi thì chúng tôi cứ đến đây khám và điều trị bệnh thôi. Chỉ khi nào BV yêu cầu chuyển viện thì chúng tôi mới lên trung ương chứ ở đây thuận lợi nhiều bề, đỡ tốn kém và vơi đi nhiều nỗi vất vả so với việc phải lên Hà Nội".
Rõ ràng, không phải vượt tuyến để khám chữa bệnh, đó là mong muốn của đông đảo người bệnh. Họ chỉ đi khi thiếu sự tin tưởng. Vì vậy, việc chuyển giao thành công kỹ thuật chụp mạch vành và can thiệp tim mạch cho BV Đa khoa Bãi Cháy sẽ giúp cho người dân tỉnh Quảng Ninh mà cả các khu vực lân cận không phải vượt tuyến, góp phần giảm tải cho BV tuyến trên. Theo thống kê của BV Đa khoa Bãi Cháy, mỗi ngày có từ 50 đến 60 bệnh nhân mắc những bệnh lý về tim mạch đến khám, trước đây hầu hết phải chuyển viện. Nhưng đó chỉ là "phần nổi" của hiệu quả mà việc chuyển giao kỹ thuật mang lại. Theo TS Bùi Văn Quế, Giám đốc BV, nếu các ca bệnh này được can thiệp tại chỗ thì tỷ lệ sống cao hơn và phục hồi sẽ tốt hơn. Việc các cơ sở y tế tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật sẽ đem lại sự công bằng cho người dân. Không những thế nó còn giúp bác sĩ nâng cao trình độ, tay nghề, giúp BV nâng tầm và nhờ đó phục vụ được người bệnh tốt hơn.
Ngày khai trương Trung tâm Can thiệp tim mạch BV Đa khoa Bãi Cháy có một bệnh nhân khá đặc biệt, Thiếu tướng Vũ Chí Thực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh. Trả lời câu hỏi, tại sao ông không lên Hà Nội kiểm tra sức khỏe, Thiếu tướng Vũ Chí Thực giản dị nói rằng, ông tin tưởng vào các bác sĩ ở đây. Bây giờ BV đã được tỉnh đầu tư trang thiết bị, được Viện Tim Hà Nội chuyển giao kỹ thuật một cách bài bản và nghiêm túc, nếu lãnh đạo tỉnh còn khám bệnh vượt tuyến thì người dân làm sao tin vào BV tỉnh. Niềm tin là điều quan trọng nhất đối với cả người bệnh và người thầy thuốc.
Với những gì đã chứng kiến trong ngày 5-3 ấy, trong tôi có một niềm tin, rằng hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam sẽ dần đổi thay, nhờ những tập thể như Viện Tim Hà Nội, BV Đa khoa Bãi Cháy, nhờ những con người như PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, TS Bùi Văn Quế và đồng nghiệp của các anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.