(HNM) - Hành trình của những công dân Việt Nam đầu tiên từ Libya trở về Tổ quốc không hề suôn sẻ như lịch trình dự định. Họ đã phải trải qua đói, rét và những hiểm nguy luôn rình rập... Nhưng trong khó khăn, niềm tin và sự đồng cảm ở nơi đất khách, quê người đã giúp họ vượt qua tất cả.
Nụ cười hạnh phúc của những công dân đầu tiên về với đất Mẹ. |
Bằng mọi cách bảo đảm an toàn cho người lao động
"Tất cả công dân Việt Nam ở Libya đã được an toàn" - Trong suốt ngày qua, thông điệp này liên tục được đại diện các cấp, các ngành khẳng định trong sự quan tâm của người dân cả nước. Khi những thông tin về chuyến chuyên cơ đầu tiên, chở gần 200 lao động từ Libya về Việt Nam bắt đầu lan truyền, nhóm PV Hànộimới đã thức trắng hai đêm tại sân bay quốc tế Nội Bài cùng đại diện những đơn vị có trách nhiệm, trực chờ, trông ngóng đón những người con trở về Tổ quốc từ đất nước Libya xa xôi đầy bất ổn. Với chúng tôi và đại diện các cơ quan có trách nhiệm như Bộ LĐ,TB&XH cùng đơn vị đưa 3.000 lao động sang Libya là Vinaconex, thì hai ngày đêm đó là một cuộc trải nghiệm để hiểu thêm về nghĩa đồng bào.
Thành lập 5 đoàn công tác hỗ trợ đưa lao động Việt Nam về nước Ngày 26-2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng ban Chỉ đạo giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước, đã chủ trì cuộc họp bàn việc bảo đảm an toàn, kịp thời di chuyển lao động Việt Nam ra khỏi Libya. Các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí lập một Trung tâm điều hành tại Tunisia do một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách; cử 5 tổ công tác liên ngành đến các nước Hy Lạp, Malta, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia để bổ sung nhân lực cho các cơ quan đại diện của Việt Nam, trợ giúp các Đại sứ quán nắm tình hình, hỗ trợ người lao động Việt Nam di chuyển an toàn. Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về tình hình, số lượng lao động Việt Nam ở Libya và các quốc gia lân cận để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Đồng thời lưu ý các bộ, ngành cần cân nhắc thêm các điều kiện để có thể có thêm chuyến bay đón lao động Việt Nam về nước. |
Cũng trong hai đêm 25 và 26-2, dù thông tin về lộ trình của chuyên cơ SHJ 5k241 đưa những công dân Việt Nam đầu tiên từ Libya về nước còn chưa rõ ràng, nhưng phía Vinaconex - đơn vị có 3.000 lao động đang làm việc tại Libya đã tổ chức đoàn cán bộ đưa xe ô tô đến chờ sẵn ở sân bay. Ông Lê Thanh, Trưởng phòng Nhân lực và Đào tạo của Vinaconex khẳng định, sau khi các lao động xuống sân bay, đơn vị sẽ tổ chức xe đưa đón, bảo đảm thức ăn, nước uống cho bà con. Bước đầu Vinaconex sẽ hỗ trợ mỗi người lao động 1 triệu đồng và có xe đưa họ về quê. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Vinaconex Mex cho biết thêm, hiện tại đơn vị vẫn đang xúc tiến phối hợp cùng với đơn vị sử dụng lao động người Việt tập trung về nơi an toàn và đang đàm phán thuê chuyên cơ đưa bà con về nước. Toàn bộ số tiền thuê chuyên cơ do đơn vị và phía chủ thuê lao động chi trả với mục tiêu bằng mọi cách bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công dân Việt Nam đang ở Libya trở về nước. Những thông tin này phần nào làm yên lòng bao gia đình đang ngày đêm ngóng chờ tin tức của những "giọt máu đào" nơi xa.
Chờ đợi trong nghẹt thở
Trong hai ngày chờ đợi tại sân bay Nội Bài, chỉ có đại diện gia đình các anh Đào Tiến Cường ở Hiệp Hòa, Bắc Giang và Đỗ Quang Tin ở Nam Sách, Hải Dương có mặt cùng hàng chục phóng viên và đại diện lãnh đạo Bộ LĐ,TB&XH. Trong quãng thời gian đó, những người dưng lần đầu gặp nhau, dù mục đích đón người từ xa trở về khác nhau, nhưng đã cảm thấy gắn bó với nhau một cách tự nhiên khi cùng sẻ chia tâm sự, những mối quan tâm nhỏ nhất, khi san sẻ từng chai nước, từng nắm xôi.
Cứ mỗi lần có đoàn người bước ra từ khu vực sảnh quốc tế, Đỗ Thị Thu Huyền em gái của Đỗ Quang Tin lại hớt hải chạy ra ngóng trông làm cả chục con người bật khỏi ghế, nhao ra nhớn nhác kiếm tìm. Cũng như vậy, chị Đào Thị Duyên (27 tuổi) ở Hiệp Hòa, Bắc Giang và cậu con trai 4 tuổi đã có mặt tại sân bay từ lúc 6h sáng để đón chồng là anh Đào Tiến Cường trở về sau hơn một năm xa cách. "Tối 23-2, chồng tôi gọi điện báo tin hai hôm nữa (tức ngày 25-2) sẽ về. Cả nhà đều vui mừng khi anh thông báo vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, lành lặn. Tuy nhiên, khi ra tới đây, lòng tôi như có lửa đốt khi lịch trình chuyến bay trở về đã không như dự định. Gọi điện cho công ty xuất khẩu lao động thì chỉ được trả lời là cứ gắng đợi, rồi các anh cũng về đến nơi. Gọi điện vào máy của chồng chỉ thấy tiếng "tút tút" kéo dài" - chị Duyên nén tiếng thở dài. Có lẽ lòng dạ người vợ mong ngóng chồng còn héo hon hơn cả bó hoa mang theo đã héo rũ. Càng về cuối ngày 25-2, thông tin máy bay chở lao động từ Libya về Việt Nam càng trở nên mù mịt bởi nhiều nguồn tin khác nhau, lúc thì có người nói là 5h sáng hôm sau, lúc lại có người nói là 15h chiều, thậm chí có người còn thông báo là 22h đêm... Không có một nguồn tin nào là chính thức và đáng tin cậy, những người đi đón các lao động từ Libya về chỉ còn biết chờ đợi.
Niềm vui đoàn tụ. |
Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến: Cộng đồng người Việt Nam tại Libya chủ yếu là người lao động xuất khẩu có thời hạn (khoảng 10.000 người). Hiện nay, hầu hết người lao động Việt Nam đã không đi làm, nghỉ ở các trại. Những nơi có nguy cơ bị đốt phá thì người lao động được chuyển đến nơi an toàn hơn. Trong thời gian nghỉ việc, người lao động vẫn được chủ sử dụng lao động cung cấp đồ ăn, thức uống. Tuy vậy, có một số lao động làm ở công trường, dự án bị đốt phá phải chạy đến trú ở sân vận động, trong nhà thờ, trường học. Số này và một số người lao động ở công ty có chủ là người nước ngoài đã sơ tán về nước đang gặp khó khăn, thiếu thốn trong việc ăn, ở. Song cho đến thời điểm này, theo thông tin chúng tôi có được, chưa có ai là người lao động Việt Nam bị thương vong. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.