Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo: Dễ rơi vào hình thức

Hà Phong| 08/06/2013 05:52

(HNM) - Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đang nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý (TGPL) đến nhóm người cận nghèo. Theo cơ quan này, đây là nhóm yếu thế, trình độ hiểu biết hạn chế, chưa thoát nghèo bền vững và rất dễ bị tái nghèo nên cần đặc biệt quan tâm.


Tuy nhiên, trong bối cảnh, TGPL cho 7 nhóm đối tượng hiện hành còn chưa thu được kết quả khả quan thì việc tăng thêm đối tượng thụ hưởng khiến nhiều chuyên gia pháp luật băn khoăn: Công tác TGPL dễ rơi vào hình thức, làm cho có.

Người thụ hưởng chê

Theo quy định hiện hành, có 7 nhóm đối tượng được TGPL miễn phí, trong đó có khoảng 8,6 triệu người nghèo, 6,7 triệu người khuyết tật, 8 triệu người có công. Ngoài ra, còn có số lượng khá đông người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa và người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn được TGPL. Đây là hoạt động có ý nghĩa đối với người cao tuổi không biết cách tiếp cận các cơ quan tư pháp, người không đủ khả năng chi trả kinh phí tư vấn cho luật sư. Song không ít người sau khi được thụ hưởng đã thẳng thắn khuyến nghị: Miễn phí về kinh phí tư vấn, bào chữa nhưng đừng hạ cấp chất lượng.

Phản ánh này không phải không có cơ sở. Hiện, cả nước có 398 trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm và chưa được bổ nhiệm, làm việc tại các trung tâm TGPL nhưng không ít người chưa xác định gắn bó lâu dài vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là thu nhập chưa bảo đảm. Cũng vì lý do này, một số địa phương như Quảng Ngãi, Điện Biên, Gia Lai, Tây Ninh không có nguồn nhân lực để bổ sung. Trong khi đó, đội ngũ cộng tác viên TGPL là luật sư tuy nhiều nhưng khó có sự ràng buộc. Kết quả khảo sát thực tiễn về chỉ định luật sư trong các vụ án hình sự cho thấy, có sự khác biệt về thái độ và tinh thần làm việc giữa bào chữa do chỉ định và bào chữa mời. Đã có hiện tượng, một số luật sư bào chữa theo chỉ định ra tòa không tiến hành tranh luận mà chỉ tìm một vài tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đề nghị tòa xem xét khi lượng hình... Hiện tượng này xuất hiện cả ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - nơi có số luật sư phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Ông Nguyễn Huy Thiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, thừa nhận, việc bào chữa miễn phí, TGPL là một nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của các luật sư. Tuy nhiên, lâu nay nghĩa vụ này bị xem nhẹ. Người thụ hưởng chưa được hưởng "sản phẩm" chất lượng cao do luật sư, trợ giúp viên không mấy mặn mà với hoạt động TGPL miễn phí mặc dù trên thực tế, nhà nước vẫn trả tiền cho người thực hiện TGPL.

Luật sư kêu

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là thù lao cho luật sư chỉ định còn hạn chế nên không ít chỉ làm cho có. Có luật sư phản ánh, mức thù lao tham gia án chỉ định theo luật định (120.000 đồng/ngày) không đủ chi phí đi lại, nhất là đối với những vụ việc ở xa trung tâm. Trong khi đó, phương thức chi trả quá phức tạp, thủ tục thanh toán rườm rà. Vì vậy, Luật Luật sư cần được sửa đổi theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm xã hội của luật sư, đồng thời cải thiện mức thù lao, từ đó mới có cơ sở mở rộng diện các vụ án bắt buộc có luật sư. Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Minh Hồng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, hoạt động TGPL miễn phí hiện nay phần nhiều chỉ là các buổi tư vấn, giải đáp pháp luật chung chung, trong khi đa phần người nghèo muốn được tư vấn, hướng dẫn cách giải quyết từng vấn đề bức xúc cụ thể.

Trong bối cảnh TGPL miễn phí còn gặp không ít khó khăn, cần cân nhắc sử dụng đội ngũ luật sư, nhất là những người đã về hưu. Triển khai theo hướng này vừa chống lãng phí nguồn nhân lực vừa giúp hoạt động TGPL thiết thực hơn. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần xem xét một cách toàn diện về thể chế, chính sách TGPL hiện nay để có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, không nên chạy theo số lượng từ việc quy định mỗi luật sư phải TGPL cho bao nhiêu người mà cần chú trọng chất lượng, phương án triển khai hiệu quả. Có như vậy, việc TGPL mới đi vào chiều sâu và đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng TGPL đến nhóm người cận nghèo mới có cơ sở để thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo: Dễ rơi vào hình thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.