(HNM) - Nếu như năm 2005, ngân sách TP Hồ Chí Minh chi trợ giá xe buýt chỉ gần 600 tỷ đồng thì đến nay đã hơn 1.400 tỷ đồng. Tiền tăng vọt nhưng chất lượng loại hình dịch vụ công cộng này lại ngày càng xuống cấp…
Theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, tổng kinh phí trợ giá xe buýt (TGXB) tăng đột biến trong vòng 5 năm trở lại đây. Cụ thể nếu như năm 2005 tiền TGXB gần 600 tỷ thì đến đến nay đã vọt lên hơn 1.400 tỷ đồng. Thế nhưng số lượng xe buýt (XB) vẫn chỉ đáp ứng khoảng 6-7% nhu cầu hành khách (HK), quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Theo Công ty TNHH MTV xe khách Sài Gòn, nguồn thu từ hoạt động XB đều từ doanh thu bán vé và trợ giá, trong đó tiền trợ giá chiếm đến 65%. Tiền tăng nhưng dịch vụ XB ngày càng đi lùi khi vẫn còn tình trạng tài xế lái xe ẩu, thiếu tôn trọng HK, phương tiện xuống cấp, nhồi nhét, chạy sai luồng tuyến, bỏ trạm… Điều này làm giảm nhu cầu sử dụng XB của người dân.
Xe buýt được trợ giá hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng chất lượng dịch vụ chưa cải thiện. |
Nói về nguyên nhân trợ giá tăng cao, Thạc sĩ Hoàng Thị Kim Chi, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố phân tích, chi phí nhiên liệu và nhân công chiếm tỷ lệ cao lại luôn biến động theo chiều hướng tăng. Đơn cử, chi phí hoạt động XB trên 1km năm 2012 tăng gần 200% so với năm 2008. Trong điều kiện thành phố không có cơ chế bù đắp từ các nguồn khác nên tiền trợ giá được tính theo nguyên tắc lấy chi phí trừ doanh thu. Thực tế, doanh thu tăng không tương xứng với chi phí (giá vé và lượng HK gần như không tăng) làm cho tổng chi phí trợ giá phải tăng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng (ĐH GTVT cơ sở 2) cho rằng, để giải quyết bất cập về TGXB hiện nay cần phải đưa ra giải pháp đột phá. Đơn cử, thay vì hình thức gián tiếp đang áp dụng, thành phố nên áp dụng hình thức trợ giá trực tiếp. Tức là các đơn vị vận tải chỉ cung ứng dịch vụ và được thành phố thanh toán theo khối lượng cung ứng. Việc bán dịch vụ và thu cước từ HK do một đơn vị độc lập thực hiện. Ngoài ra, có thể mở rộng áp dụng quảng cáo trên XB, đẩy mạnh đấu thầu tuyến…
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Dương Hồng Thanh, hiện vẫn phổ biến tình trạng nhân viên của một số đơn vị vận tải XB có trợ giá đã xé vé khống nhằm đạt chỉ tiêu doanh thu cao để hưởng tiền thưởng theo quy định khoán. Điều này dẫn tới tình trạng chạy đua doanh thu và xé vé khống ở một số đơn vị, nếu không đủ chỉ tiêu đề ra. Thạc sĩ Đinh Kim Hà, Viện Chiến lược phát triển, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam cho rằng, xé vé khống sẽ làm thất thu không nhỏ ngân sách nhà nước, bởi hiện tiền trợ giá là hơn 4.000 đồng/vé XB.
Giải pháp nào? Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND thành phố khóa VIII cho rằng, một trong những giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thu chi vé XB có trợ giá là thành phố cần sớm triển khai hệ thống thẻ từ thay hình thức vé tập hiện nay. Khi đó, mỗi hành khách tự chịu trách nhiệm quản lý và nạp tài khoản vào thẻ nếu muốn đi. Điều này vừa giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ và tránh thất thu vừa chấm dứt được tình trạng xé vé khống hay các bất cập khác. Song song đó, hệ thống xe buýt cần triển khai một trung tâm điều hành chung khi lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, triển khai lắp camera và hệ thống wifi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tránh các hiện tượng trộm cắp, gian lận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.