An ninh trật tự

Triệt phá đường dây sản xuất keo dán công nghiệp giả nhãn hiệu nổi tiếng

Chu Dũng 26/10/2023 - 17:00

Ngày 26-10, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) thông tin về việc triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ keo dán công nghiệp kém chất lượng giả mạo sản phẩm nhãn hiệu nổi tiếng của Apollo, tiêu thụ tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Thủ đoạn giả mạo tinh vi của nhóm đối tượng đã làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặc biệt gây mất uy tín đối với sản phẩm chính hãng đã đăng ký bản quyền.

Căn cứ tài liệu, hiện cơ quan công an đã khởi tố vụ án, tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng: Vũ Văn Vương (sinh năm 1993; ở xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), Đỗ Thị Kim Tuyến (sinh năm 1989), Lê Thị Hằng (sinh năm 2000) và Đoàn Văn Thắng (sinh năm 1993), đều ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, về tội buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự.

395858171_370357165346816_504347080728114748_n.jpeg
Các đối tượng và sản phẩm làm giả.

Cụ thể, qua nắm bắt thông tin địa bàn, ngày 8-9, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) và Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) làm nhiệm vụ tại khu vực gần khu biệt thự liền kề ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 18C-134.36 do Phạm Văn Hưng (sinh năm 1988; ở xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang bốc xếp hàng hóa có biểu hiện nghi vấn nên đã kiểm tra.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe chở 2.000 chai keo silicone các loại mang nhãn hiệu Apollo. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của số hàng trên.

Tại cơ quan công an, Phạm Văn Hưng khai nhận, tối 7-9, Đoàn Văn Thắng thuê Hưng đến nhà riêng của Thắng tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định để nhận hàng giao cho khách tại huyện Thường Tín (Hà Nội).

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với 4 địa điểm liên quan ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương và phát hiện, thu giữ thêm 4.355 chai keo silicone nhãn hiệu Apollo không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Tổng số 6.355 sản phẩm keo silicone nhãn hiệu Apollo trên được xác định là hàng giả. Căn cứ bảng giá do đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm cung cấp, xác định trị giá 6.355 sản phẩm đã bị làm giả tương đương giá trị hàng thật hơn 384 triệu đồng.

Qua đấu tranh, xác định Thắng cùng với các đối tượng gồm Vũ Văn Vương, Đỗ Thị Kim Tuyến và Lê Thị Hằng đặt mua hàng giả từ Trung Quốc rồi thuê vận chuyển về Việt Nam tập kết tại nhiều địa điểm bí mật tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương..., sau đó đi giao cho khách có nhu cầu tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Khi có khách hàng mua, đường dây trên sử dụng hình thức giao hàng thông qua công ty chuyển phát nhanh, qua bưu điện, không thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, chỉ sử dụng thanh toán tiền mặt (ship COD) để đối phó với việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triệt phá đường dây sản xuất keo dán công nghiệp giả nhãn hiệu nổi tiếng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.