Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển lãm “Con đường Phật”

Nhật Nam| 04/12/2013 13:05

(HNMO) - Ngày 3-12, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 phố Nguyễn Thái Học) đã khai mạc triển lãm điêu khắc sành (terracotta) với tổ hợp “Di cư” - một trích đoạn trong “Con đường Phật” mà nhà điêu khắc Nguyễn Tuấn đang theo đuổi như một kêu gọi bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn cầu.

"Rừng Phật" của nhà điêu khắc Nguyên Tuấn.


Tổ hợp “Di cư” nổi bật với nhóm tác phẩm “Phật mình chim” là một thông điệp tôn giáo đầy bác ái đang ngày càng phổ biến trên thế giới - Phật giáo - về bảo vệ môi trường. Đây là điểm tạo nên sự khác biệt của nghệ thuật điêu khắc sành mà nghệ sỹ Nguyễn Tuấn cống hiến tại cuộc trưng bày. Tính căng giòn và chút thô nhám của cát thủy tinh ngay trên bề mặt cũng như trong từng thớ chất liệu sành (terracotta) Phù Lãng - khác với độ xốp và sự nhuần nhuyễn của gốm (ceramic) và độ trơn bóng của sứ (porcelain) - nơi “Phật mình chim” của Nguyễn Tuấn là một tương phản thực. Đó là sự lắng đọng êm đềm của triết lý nhà Phật và dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại.

Hai dòng chảy trái ngược gặp nhau nơi tác phẩm đã chinh phục thị giác và giải phóng trí tưởng nơi người xem khiến ta như thể đang được lại gần hơn nhau hơn. Để một chất liệu truyền thống vượt thoát những hình thức thể hiện vốn có như sành Phù Lãng thành một dấu nối với tinh thần thời đại là bước tiên phong trên con đường tìm kiếm tinh hoa truyền thống của một nghệ sỹ. Vì thế, “Di cư” không khác một ngoa dụ về môi trường; đồng thời là một cảnh báo về sự chiếm hữu thiên nhiên có chủ đích một cách thái quá đang gây hại cho chính con người. Những cơn giận dữ của thiên nhiên trải dài từ Đông sang Tây, từ các nước phát triển đến những quốc gia đang phát triển chỉ trong thập kỷ qua đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người chỉ trong chốc lát đã khẳng định điều đó. Nó dự báo về một ngày loài người sẽ tự ghi danh vào “Sách đỏ” và có trở thành quý hiếm như các loài trước nguy cơ tuyệt chủng đang là một câu hỏi lớn.

Từ một chất liệu phổ biến nơi đồng quê Phù Lãng: sành - một quà tặng dân gian - mà Nguyễn Tuấn đã tìm thấy sợi vô hình bền chặt giữa Phật với chúng sinh! Đây là phần thưởng đáng giá trên đường con nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng của nghệ sỹ nhờ sự thông tuệ và giác ngộ nơi giáo lý nhà Phật.

Cuộc trưng bày là thành quả sau hai năm lao động nghệ thuật đầy nhọc nhằn của nghệ sỹ như một thợ gốm thật sự tại làng gốm cổ Phù Lãng. Với “Di cư”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khẳng định dòng sản phẩm gốm thuần Việt đất Phù Lãng không chỉ dừng lại ở chức năng sử dụng như đã thấy từ hàng trăm năm nay mà còn có thể vượt biên giới nhờ cảm hứng sáng sáng tạo của nghệ sỹ khi quyết chọn con đường truyền thống để đi tới. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 10-12. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm “Con đường Phật”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.