(HNM) - Mặc dù đã có nhiều giải pháp đồng bộ và được đánh giá là mạnh song tỷ lệ lao động xuất khẩu (LĐXK) sang Hàn Quốc quá hạn, không trở về mà sống
Tình trạng lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp khiến xuất khẩu lao động Việt Nam gặp khó khăn. Trong ảnh: Người lao động nghe phổ biến pháp luật trước khi đi xuất khẩu. |
Theo thống kê, toàn thành phố tỷ lệ NLĐ bất hợp pháp ở Hàn Quốc đã giảm từ 40,29% (năm 2013) xuống còn 36,11% (năm 2014) và tháng 2-2015 còn 18,18%. Tỷ lệ này ở huyện Chương Mỹ tăng vọt từ 33% (năm 2013) lên 71,43%. Hiện Chương Mỹ có 388 NLĐ còn thời hạn, trong đó 19 người được đánh giá là lao động mẫu mực, 183 người đã được trở lại Hàn Quốc theo hợp đồng lần thứ hai. Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Chương Mỹ khẳng định, lãnh đạo huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc sắp hết hạn hợp đồng và đang cư trú bất hợp pháp trở về nước. Phòng đã triển khai các văn bản yêu cầu các xã có NLĐ đang lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc như: Đại Yên, Lam Điền, Tiên Phương, Hòa Chính, Phú Nam An để thông báo, theo dõi và xử phạt lao động của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đối với 6 lao động không về nước đúng hạn. Đồng thời tuyên truyền và yêu cầu tất cả các gia đình có NLĐ tại Hàn Quốc đã ký cam kết động viên con em họ trở về theo quy định…
Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Xuân Tiên cho rằng, đây là việc làm rất khó. Để giải quyết tốt thì gia đình, bản thân NLĐ trước khi đi phải nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình. Đặc biệt, gia đình cần tạo tình cảm gắn bó và phân tích việc trở về nước đúng hạn là thể hiện tình yêu và trách nhiệm với gia đình, đất nước. Ông Nguyễn Huy Phụ, cán bộ lao động xã hội xã Ngọc Hòa cho hay: Khó khăn của địa phương là quan hệ giữa NLĐ với chính quyền hiện nay chưa được chặt chẽ. Ngoài việc xác nhận lý lịch hồ sơ thì địa phương không nắm được NLĐ có được đi hay không, đi bao giờ và bao giờ về. Vì vậy cần có quy định để địa phương quản lý tốt từ trước khi đi và vận động được NLĐ về đúng hạn.
Anh Đặng Trần Hoàn, xã Hữu Văn từng đi làm ở Hàn Quốc từ năm 2009 đến 2014 cho biết: NLĐ khi hết hạn hợp đồng mà không muốn trở về là bởi tâm lý lo sợ trở về không có việc làm thu nhập cao hoặc tiếc số tiền lớn bỏ ra trước khi đi… Tuy nhiên, anh Hoàn cũng khẳng định, mối quan hệ gia đình với NLĐ là rất quan trọng, nó sẽ góp phần giúp NLĐ trở về đúng hạn. Khẳng định về sự thông suốt của gia đình, ông Nguyễn Hữu Khang ở đội 3, thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ có con là Nguyễn Hữu Huân đang lao động tại Hàn Quốc cho biết: "Qua thông tin tuyên truyền tôi hiểu đầy đủ về chính sách của Nhà nước. Chỉ còn hơn một tháng nữa con tôi đến hạn về nước. Chúng tôi sẽ vận động cháu trở về đúng hạn và nguyện vọng của gia đình là tiếp tục cho con trở lại Hàn Quốc làm việc để xây dựng kinh tế tốt hơn".
Tại Thanh Oai, nơi có tỷ lệ NLĐ cư trú bất hợp pháp cao (năm 2014 là 38,46%), Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Cần cho biết: NLĐ có nhu cầu học nghề và tìm việc làm ổn định trên địa bàn toàn huyện là 8.769 người. Trong đó, nhu cầu làm việc tại nước ngoài tương đối lớn, nhất là Hàn Quốc. Trước vấn đề "nóng" về NLĐ không chịu về nước đúng hạn, Phòng LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản cũng như chỉ đạo các địa phương tích cực áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động gia đình NLĐ. Trong đó có đưa vào bình xét gia đình văn hóa, thậm chí đưa vào đánh giá cán bộ đảng viên. Tuy nhiên, ở cấp phòng, thông tin về NLĐ chỉ được nắm biết qua số liệu thống kê của Sở gửi về nên hạn chế cho việc quản lý, theo dõi…
Hiệu quả của việc NLĐ đi lao động tại Hàn Quốc đã và đang được khẳng định là mang lại thu nhập cao cho mỗi cá nhân, gia đình và chuyển về nguồn tiền không nhỏ góp phần xây dựng quê hương đất nước. Hy vọng, với sự nỗ lực tích cực vào cuộc của lãnh đạo các địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, tỷ lệ NLĐ không về nước đúng hạn và quá hạn đang lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc sẽ giảm xuống một cách nhanh chóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.