Nông nghiệp - Nông thôn

Triển khai Chương trình OCOP 2024: Chuẩn hóa quy trình, hướng đến xuất khẩu

Nguyễn Mai thực hiện 16/02/2024 - 08:00

Năm 2024, Hà Nội tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP chuẩn hóa quy trình sản xuất, hướng đến xuất khẩu.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí về thúc đẩy Chương trình OCOP...

hoi-dong-tham-dinh-san-pham.jpg
Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023.

- Năm 2023, thành phố Hà Nội đã có 544 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP, xin ông cho biết điểm mới trong thực hiện chương trình?

- Năm 2023, thành phố giao các quận, huyện, thị xã đánh giá 400 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đáng mừng là đã có 26 quận, huyện, thị xã đánh giá được 544 sản phẩm, trong đó có 20 quận, huyện với 104 sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao; 50 sản phẩm tham gia đánh giá lại và 54 sản phẩm được đưa ra đánh giá lần đầu.

Trước đây, đánh giá tiêu chí sản phẩm OCOP theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm nay, đánh giá sản phẩm OCOP theo tiêu chí mới theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm OCOP 4 sao trước đây chưa có chứng nhận trên, giờ phải đánh giá lại.

Để tháo gỡ khó khăn này, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các chủ thể tham gia triển khai việc cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ nhằm nâng cấp sản phẩm OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao trên địa bàn.

- Song song phát triển sản phẩm về số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng có bước chuyển gì so với các năm trước?

- Từ năm 2022, thành phố tập trung lựa chọn đánh giá OCOP đối với sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm làng nghề truyền thống và hạn chế với sản phẩm đồ tươi sống nên có thể thấy, các sản phẩm được công nhận đều mang lại giá trị cao hơn.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 đối với sản phẩm OCOP cấp huyện (3 sao) ngoài các thành viên hội đồng cấp huyện còn có sự tham gia của các sở, ngành của thành phố như: Sở NN&PTNT; Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới; Sở Công Thương; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế…

Việc tham gia đánh giá, giám sát tất cả quy trình, thủ tục tiến hành phân hạng sản phẩm giúp chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện có chất lượng rất tốt.

- Với sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận, thành phố sẽ kiểm tra, giám sát ra sao để duy trì chất lượng sản phẩm?

- Năm 2023, thành phố đã triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm đã và đang tham gia phân phối ở thị trường trong nước và quốc tế như miến Minh Dương (Hoài Đức); trà sen Tây Hồ của hộ gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm. Đặc biệt, sản phẩm trà sen Tây Hồ đã được các cơ quan trung ương sử dụng tại các tiệc trà tiếp khách quốc tế.

Đối với sản phẩm đủ tiêu chí, được công nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi thường xuyên kiểm tra chất lượng, đồng thời hỗ trợ việc mở rộng quy mô chế biến, nhãn mác, bao bì… nhằm tạo giá trị gia tăng. Đặc biệt, với sản phẩm OCOP 4 sao, năm 2024 này, chúng tôi sẽ hỗ trợ các chủ thể thiết kế mẫu mã, bao bì đạt chuẩn để dễ nhận diện...

- Lũy kế đến thời điểm này, Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, được coi là nhiều nhất cả nước. Vậy, năm 2024, thành phố làm gì để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm?

- Thực hiện Chương trình OCOP, thành phố Hà Nội xác định xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm là vấn đề quan trọng nhất. Trung bình một năm, thành phố tổ chức 4 sự kiện OCOP gắn với văn hóa các vùng miền trên cả nước. Từ đó, các chủ thể sản phẩm OCOP của Hà Nội và các vùng miền thuận lợi hơn khi tiêu thụ tại thị trường Thủ đô. Đây cũng là cơ hội để các chủ thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và là cơ hội tốt cho việc quảng bá sản phẩm OCOP tới đông đảo người tiêu dùng...

Về xuất khẩu, từ năm 2023, thành phố đã định hướng đưa sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế. Đơn cử, trong tháng 3-2023, chúng tôi đưa sản phẩm OCOP tham dự hội chợ tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đầu tháng 12-2023, thành phố đưa 8 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ sang Italia, đây là thị trường bán lẻ hàng đầu châu Âu.

Cũng trong chuyến làm việc này, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ châu Âu đã cử đại diện hỗ trợ thiết kế đối với sản phẩm về lụa và thêu của Hà Nội, giúp sản phẩm xuất khẩu phù hợp thị hiếu người tiêu dùng châu Âu.

Trên nền tảng kết quả đáng ghi nhận, năm 2024, thành phố tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân nhằm tạo ra nhiều hơn sản phẩm chất lượng tốt, có tiềm năng xuất khẩu để xúc tiến thương mại tại thị trường quốc tế. Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở NN&PTNT ký hợp đồng với các đối tác của Thụy Điển về thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP của Hà Nội, đưa làng nghề của Hà Nội vào hệ thống các thành phố thủ công, mỹ nghệ trên thế giới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Chương trình OCOP 2024: Chuẩn hóa quy trình, hướng đến xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.