Kinh tế

Quảng bá nông sản OCOP, du lịch dịp Tết Nguyên đán 2024: HPA “tiếp sức” doanh nghiệp

Thanh Hiền 28/01/2024 - 08:02

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố (HPA) tổ chức hội chợ tại Phúc Thọ là cơ hội để doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm nông sản OCOP, du lịch dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

ocop.jpg
Khách tham quan các gian hàng tại Hội chợ Xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP gắn kết quảng bá du lịch địa phương tại huyện Phúc Thọ.

Hội chợ Xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP gắn kết quảng bá du lịch địa phương tại huyện Phúc Thọ là sự kiện UBND thành phố Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố chủ trì, phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ và các đơn vị có liên quan tổ chức tại khu vực đất Trung tâm thương mại và mua bán tự chọn Lan Chi, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

Hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm nông sản OCOP, đồng thời quảng bá du lịch địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đây là dịp để người tiêu dùng tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam.

Tại lễ khai mạc diễn ra chiều 20-1-2024, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố (HPA) Bùi Duy Quang cho biết, Hội chợ Xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP gắn kết quảng bá du lịch địa phương tại huyện Phúc Thọ diễn ra từ ngày 19 đến 23-1-2024. Với quy mô hơn 100 gian hàng và các không gian trưng bày chung, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đặc sản đến từ các làng nghề (làng nghề thêu truyền thống, làng nghề gốm sứ Bát Tràng…), hội chợ thu hút hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp của gần 20 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự. Một số sản phẩm đặc sản nông sản nổi tiếng có thể kể đến như: Chè Shan tuyết Hà Giang, gạo Điện Biên, tương ớt Mường Khương, cá kho làng Vũ Đại, cam Vinh... cùng nhiều nông sản tiêu biểu khác có mặt tại hội chợ.

“Đặc biệt, Ban Tổ chức hội chợ cũng đã phối hợp với huyện Phúc Thọ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương, gồm: Nghề may, nghề mộc, nghề dệt thảm…, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa địa phương. Ẩm thực cũng là một nét đặc trưng của Phúc Thọ với những món ăn đậm chất dân dã, đầy hương vị vùng quê như cà dầm tương, nem Phùng, tôm, cá sông Đáy nướng, bánh tẻ quê, canh rau muống tiến vua… Ngày nay, Phúc Thọ đã được thành phố quy hoạch là vùng sinh thái, phát triển du lịch và nông nghiệp sạch, chất lượng cao” - ông Bùi Duy Quang nhấn mạnh.

Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ còn tổ chức những không gian trình diễn sản phẩm, các hoạt động văn hóa truyền thống dịp Tết Nguyên đán cùng các hoạt động quảng bá du lịch địa phương, kết hợp cùng những sắc hoa rực rỡ trong “Hội chợ hoa xuân, quảng bá sản phẩm làng nghề, nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn huyện Phúc Thọ” mang đến những trải nghiệm, dấu ấn khó quên cho du khách.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu khẳng định, hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa thiết thực, là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trưng bày, giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tinh hoa làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện Phúc Thọ, của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước; gia tăng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Đồng thời, hội chợ nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị và an sinh xã hội; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối trên cơ sở liên kết vùng, giúp các tỉnh, thành phố đẩy mạnh sự hợp tác và tạo điều kiện để mở rộng thị trường cho các sản phẩm tiềm năng.

Trong khuôn khổ của hội chợ lần này, Hội Sinh vật cảnh huyện Phúc Thọ đã mời nhiều nghệ nhân, nhà vườn, hội sinh vật cảnh trong cả nước đem đến hơn 200 tác phẩm sinh vật cảnh đặc sắc, trên 100 tác phẩm hoa lan với nhiều chủng loại quý. Hội chợ có quy mô hơn 100 gian hàng, trưng bày, giới thiệu hơn 1.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội và 27 tỉnh, thành phố trong cả nước; được thiết kế đẹp mắt, dàn dựng trong không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội chợ sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như: Trưng bày hoa, cây cảnh và sản phẩm làng nghề, nông sản, sản phẩm OCOP huyện Phúc Thọ, quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc; tổ chức hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề, hàng hóa, nông sản trong huyện ứng dụng công nghệ thông tin, bán các sản phẩm trên nền tảng xã hội như: TikTok, Facebook, Zalo, YouTube…

“Qua hội chợ, huyện Phúc Thọ mong muốn giới thiệu, quảng bá những hình ảnh đẹp, chân thực nhất về quê hương, con người, những nét văn hóa đặc sắc, truyền thống hiếu khách và những điểm du lịch tâm linh của huyện tới đông đảo du khách thập phương…”, đồng chí Lê Văn Thu bày tỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quảng bá nông sản OCOP, du lịch dịp Tết Nguyên đán 2024: HPA “tiếp sức” doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.