(HNMO) - Chiều 10-7, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức triển khai Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 24-6-2019 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 5-3-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21-3-2011, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố, Sở Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nội dung mới và tuyên truyền phổ biến Nghị định số 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ trong quý II và quý III-2019. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp rà soát các thủ tục hành chính có liên quan nhằm triển khai có hiệu quả Nghị định số 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Một số nội dung mới trong Nghị định số 24/2019/NĐ-CP sẽ được đặc biệt lưu ý trong quá trình hướng dẫn các quận, huyện, thị xã. Cụ thể, theo Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Phạm Thị Kim Anh, để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân khi đăng ký nuôi con nuôi, Chính phủ đã bổ sung thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi.
Cụ thể là, trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi… Trước đây, theo Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định, đối với việc nuôi con nuôi trong nước, thì UBND cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.