Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam qua những tuyên ngôn độc lập

PGS.TS Phạm Xuân Hằng| 02/09/2012 06:09

(HNM) - Trong lịch sử thế giới, đến nay người ta biết đến nhiều bản tuyên ngôn độc lập của các nước từng là thuộc địa hoặc lệ thuộc nước ngoài. Theo dòng lịch sử dân tộc, nước ta có ba bản tuyên ngôn độc lập:

Nam quốc sơn hà là một bài thơ khuyết tác giả và người đời gọi là bài thơ Thần vì bài thơ vang lên trong đền thờ thần vào ban đêm, có nội dung khẳng định chủ quyền dân tộc, nhằm khích lệ quân dân trong kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (981) và kháng chiến chống Tống lần thứ hai (1077). Bài thơ nêu rõ “Sông núi nước Nam, vua Nam ở” bởi sách trời đã phân định rõ ràng. Vậy, lũ giặc dám liều mình xâm phạm chủ quyền thiêng liêng này, ắt chuốc lấy bại vong. Đó cũng là tinh thần độc lập dân tộc khởi nguồn từ thuở Hùng Vương dựng nước, đến khí phách quật khởi của Hai Bà Trưng, đến tính tự tôn dân tộc mà xưng Đế của Lý Bôn và ý thức tự cường đất nước mà mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc của Ngô Quyền. Tất cả được kết tinh thành trí tuệ và bản lĩnh Đại Việt trong Nam quốc sơn hà - Tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử nước nhà.

Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu


Chuyện kể rằng, sau khi ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973), Henry Alfred Kissinger, trong chuyến thăm Việt Nam, có đến Bảo tàng Lịch sử. Khi thăm bảo tàng, bắt gặp bốn dòng chữ được ghi và được đặt ở vị trí trang trọng, ông hỏi nội dung bốn dòng chữ là gì. Sau khi được nghe dịch bốn câu thơ và được giới thiệu sự ra đời của bài thơ, Ngoại trưởng thứ 56 của Hoa Kỳ chợt hiểu và thốt lên rằng, thảo nào các ông từ đầu đến cuối cuộc hòa đàm, kiên quyết bảo vệ điều 1 của Hiệp định. Điều đó là “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Ý chí độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã là, đang là và mãi là đặc điểm mang tính dân tộc xuyên suốt lịch sử nước nhà, tạo nên trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

Bình Ngô đại cáo là bản bố cáo lớn do Nguyễn Trãi viết (năm 1428), thay lời Bình Định vương Lê Lợi, tuyên bố việc kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược, giành lại độc lập cho Đại Việt. Bình Ngô đại cáo khẳng định độc lập, chủ quyền của dân tộc; tố cáo âm mưu và tội ác của nhà Minh với cớ khôi phục nhà Trần, “cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người”; tổng kết cuộc khởi nghĩa nhiều gian khổ, lắm hy sinh và cuối cùng giành thắng lợi vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn; khẳng định chính nghĩa luôn thắng phi nghĩa.

Nguyễn Trãi lên án sự bạo tàn của giặc Minh với tội ác mà trúc Nam Sơn không thể ghi hết, nước Đông Hải không thể rửa sạch tanh hôi. Nhân dân Đại Việt vùng lên với khí phách “gươm mài đá, đá núi phải mòn”, với sách lược “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, với chiến lược “Tâm công” để “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Ngọn cờ chính nghĩa của nhân dân Đại Việt là nhân tố quy tụ sức mạnh dân tộc để “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”. Khí phách hào hùng từ truyền thống dân tộc đã được nhân lên thành trí tuệ và bản lĩnh trong cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược.

Cái mới trong bản Tuyên ngôn độc lập này là tư tưởng vì dân, dân là gốc được khẳng định và mang tính xuyên suốt trong sự nghiệp bảo tồn độc lập (Việc nhân nghĩa cốt ở an dân/ Quân điếu phạt cốt lo trừ bạo), suy rộng ra bất kỳ hành động nào làm dân bất an, phải trừ cho hết thì vận nước mới hưng thịnh và vững bền. Bình Ngô đại cáo đề cao ý nghĩa sức mạnh đoàn kết dân tộc (Khắp tướng - sĩ một lòng phụ - tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào); trân trọng sức dân (Khi giặc đã sợ chết cầu hòa thực lòng, ta muốn lấy toàn quân để nhân dân nghỉ sức). Đó là tư tưởng thương dân, yêu dân, trọng dân và thấy được vai trò của nhân dân là động lực quyết định sự hưng vong của triều đại, đất nước. Hậu thế coi đây là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai trong lịch sử nước nhà.

Tuyên ngôn Độc lập 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn và đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 vừa là một sự kiện cấu thành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, vừa là một văn kiện chính trị nền tảng để hình thành thể chế và sự hoạt động của một nhà nước kiểu mới - Nhà nước dân chủ, nhân dân. Trên nền truyền thống dân tộc và tiếp thu văn minh nhân loại, bản Tuyên ngôn khẳng định cái tất yếu lịch sử của con người là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên ngôn tố cáo đanh thép âm mưu, tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật về chính trị, kinh tế, văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với đội ngũ 5.000 đảng viên, nhân dân ta đã dũng cảm đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa, đem sức ta giải phóng cho ta, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và giành lại quyền độc lập dân tộc. Bản Tuyên ngôn kết luận: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Thay mặt nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ý chí chống thực dân, phát xít vừa để giải phóng chính mình, vừa là sự hòa quyện cùng thế giới chống áp bức, bóc lột vì sự tiến bộ, văn minh của loài người. Bản lĩnh và trí tuệ của nhân dân ta đã lớn cùng thời đại và vì nhân loại. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự khẳng định giá trị và sức sống của Tuyên ngôn Độc lập. Tiếng vang của ý chí độc lập Việt Nam đã thức tỉnh mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc thế giới và góp phần làm sụp đổ cả hệ thống thực dân cũ và mới trên phạm vi toàn thế giới. Nó thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành lại những quyền cơ bản cho dân tộc mình. Đó là cái mới về giá trị lan tỏa của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Từ truyền thống, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được nhân lên trong bản Tuyên ngôn qua tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người để con người có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trên nền tảng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “Suy rộng ra, tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc đối với dân tộc, thấu hiểu giá trị làm người của mỗi con người, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cảnh báo, nước độc lập, dân không được tự do thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì. Quyền của con người và quyền dân tộc thẩm thấu trong nhau và tương hỗ lẫn nhau sẽ trở nên bền vững. Bắt nhịp và tiếp cận biện chứng của quan hệ quyền con người, quyền dân tộc là nét mới của Tuyên ngôn Độc lập theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm nay suy rộng ra, quyền lợi hợp pháp của nhân dân bị xâm phạm, ngân sách, khoáng sản, tài nguyên đất đai, sông, biển, núi rừng… của Nhà nước, của nhân dân bị thất thoát, lãng phí, bị vơ vét… thì nước yếu, dân nghèo, xã hội thiếu công bằng, lạc hậu. Những nhân tố đó làm lòng dân bất an, mà an dân là văn hóa dân tộc. Bảo đảm những quyền con người và quyền dân tộc đang không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Không ai được xâm phạm những quyền cơ bản ấy. Bất kỳ sự xâm phạm nào đối với những quyền cơ bản ấy đều là hành động đi ngược lại lợi ích, là chống lại nhân dân và dân tộc.

Từ hôm nay nhìn về 67 năm trước, nhìn qua những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, giành lấy độc lập, nhìn vào những thành tựu sự nghiệp đổi mới, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. So với thời Cách mạng Tháng Tám, nay đảng số đã tăng gấp gần 700 lần, nhưng nguy cơ giảm sức chiến đấu đang tiềm ẩn trong đội ngũ. Thà “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Nhiều năm nay, Đảng ta đã chỉ ra những bệnh tật trầm kha trong đội ngũ mình, nhưng dù đã bốc thuốc rồi mà bệnh tình không thuyên giảm, có nguy cơ ngày càng phức tạp hơn. Nay, vì nước, vì dân và vì sứ mệnh tất yếu mà nhân dân giao phó, Đảng ta đã bắt mạch đội ngũ mình trúng bệnh hơn, cụ thể hơn trên cơ thể đang có “một bộ phận không nhỏ” với những nhóm đối tượng cụ thể được điểm danh. Và một toa thuốc mạnh, dùng ngay, dùng lâu dài, dùng thường xuyên đã được chỉ định. Toa thuốc này nếu tự giác, chân thành uống sẽ sáng lên trong tâm hồn, trí tuệ, khỏe lên trong bản lĩnh để xứng đáng với nhân dân, những người đang chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước này và không hổ thẹn với anh linh biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống trong suốt chiều dài lịch sử đất nước vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Toa thuốc ấy là Nghị quyết Hội nghị TƯ 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trí tuệ, bản lĩnh, danh dự chung - riêng cũng là đây.

Xưa, trong đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, khó khăn gian khổ là kinh tế nghèo nàn, cơ sở vật chất thiếu thốn chất chồng, bom rơi, đạn nổ, có lúc lấy sức người thay cho sức của, nhưng kẻ thù được xác định rõ ràng.
Nay, cuộc đấu tranh cam go nhất là cái tích cực đan xen tiêu cực, phải đấu tranh không chỉ với kẻ thù mà với đồng đội, với “một bộ phận không nhỏ” mà hằng ngày vẫn “tay bắt mặt mừng” và với cả chính mình. Những biểu hiện suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” ấy là những tì vết đang làm lòng dân bất an, lo lắng, bức xúc. Nghị quyết TƯ 4 khóa XI ra đời nhằm từng bước, tiến tới hoàn toàn xóa bỏ tì vết ấy. Làm được thế và chỉ khi ấy, ý Đảng, lòng Dân sẽ hòa quyện sắt son, chung tay giữ gìn và nhân lên trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc in đậm trong các bản tuyên ngôn độc lập. Những bản tuyên ngôn bất hủ này có mạch nguồn từ thuở bình minh đất nước và theo dòng lịch sử kết tinh thành tinh thần quật khởi phất cờ “Đền nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng; thành ý chí “Thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng; thành bản sắc văn hóa dân tộc “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”; thành sức mạnh “Đánh cho lịch sử biết rằng nước Nam anh hùng này là có chủ”, thành chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó còn là tiếng gọi của núi sông, hồn thiêng đất nước nghìn năm vọng lại, lan tỏa mãi muôn đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam qua những tuyên ngôn độc lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.