Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam vốn đã đầy ắp những sự kiện nhưng càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó chứa đựng sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cùng với truyền thống yêu nước, đoàn kết, giá trị cốt lõi, xuyên suốt của nhân dân Việt Nam là luôn phấn đấu vì nền độc lập của dân tộc. Bởi vì, ngay từ thuở bình minh dựng nước, dân tộc Việt Nam đã phải chịu ách xâm lược của ngoại bang. Do đó, để có được nền độc lập dân tộc, các thế hệ “con Rồng, cháu Tiên” luôn kiên cường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược để giành và giữ nền độc lập dân tộc.
Ý chí, khát vọng được độc lập, tự do đã thể hiện ở nhiều áng văn thơ, được xem như những bản tuyên ngôn, được đúc kết bởi ý chí của những bậc anh hùng hòa quyện vào ý chí của cả dân tộc như: “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt; “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi... Đến bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự tiếp nối, nâng tầm khát vọng và ý chí thiêng liêng ấy của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới là một văn kiện chính trị - pháp lý có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại vô cùng to lớn trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do, khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời, khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Vì thế, Tuyên ngôn độc lập không chỉ gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Trong hành trình gian khó ấy, có Đảng lãnh đạo, với một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ và phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, dân tộc ta đã thủ tiêu toàn bộ chế độ thực dân, phong kiến, “lấy lại tên trên bản đồ thế giới”. Vì thế, Tuyên ngôn độc lập không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn làm cho nền văn hiến Việt Nam: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng/Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa”!
Với tất thảy những gì để lại, Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nếu các cuộc kháng chiến chống quân Tống ở thế kỷ thứ XI và chống Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII là bản anh hùng ca bất hủ, là sự thể hiện sâu sắc và rực rỡ lòng yêu nước, khí phách anh hùng, trí thông minh, sáng tạo và sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta và tài thao lược của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, thì Tuyên ngôn độc lập là kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta và là tác phẩm bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca mở đầu cho một kỷ nguyên mới của dân tộc ta - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Mang tầm vóc và ý nghĩa lớn lao
Bắt đầu từ Tuyên ngôn độc lập, phát huy tinh thần Quốc khánh 2-9, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần “... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”, toàn thể dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến (1945-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân và toàn quân ta đã làm nên một Điện Biên lịch sử - “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7-5-1954). Với thắng lợi này, “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và với niềm tin sắt đá: “Dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn”, dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược. Trải qua 21 năm (1954-1975) dài đằng đẵng chiến đấu anh dũng, với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng; với phương châm toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, mỗi người dân là một dũng sĩ diệt Mỹ, quân và dân Việt Nam đã đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, làm nên một mùa Xuân Đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Trong những năm 1975-1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; đồng thời, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng và hồi sinh đất nước Chùa Tháp. Trước những yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, nhận thức được những bất cập của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết sáng kiến của nhân dân, tiến hành đổi mới từng phần trong nông nghiệp, công nghiệp và bước đầu đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và từng bước hình thành đường lối đổi mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đã đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên hành trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011).
Phát huy tinh thần Quốc khánh 2-9, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Nền kinh tế phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023, con số này tiếp tục tăng cao trong 8 tháng năm 2024. Văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực.
Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu Thiên niên kỷ. Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định luôn luôn được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội luôn luôn được bảo đảm; Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được chăm lo đầu tư, xây dựng ngày càng tinh, gọn, mạnh cả về chính trị, tư tưởng và vũ khí, trang thiết bị. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng trên cơ sở hình thành trường phái đối ngoại, ngoại giao đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Kết quả hoạt động đối ngoại đã đưa Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận... đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mãi vẹn nguyên giá trị
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.
Trên cơ sở đánh giá chính xác thế và lực của đất nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, với quyết tâm chính trị cao hết lòng vì nước, vì dân, Đại hội XIII của Đảng đã hoạch định đường lối phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặt ra các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi dậy mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, lòng nhân ái, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đó, phát huy tinh thần và giá trị to lớn của Tuyên ngôn độc lập, tinh thần Quốc khánh 2-9, chúng ta nguyện chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối do Đảng đề ra; quyết tâm phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là tri ân sâu sắc và đền đáp những công lao to lớn của biết bao thế hệ người Việt Nam đã cống hiến, hy sinh để chúng ta được sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày hôm nay!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.