Tháng Tám năm 1945, chớp thời cơ ngàn năm có một và với tinh thần “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, toàn thể dân tộc Việt Nam đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra trang sử mới rạng rỡ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
1. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Và như thế, ngày 2-9 đã trở thành mốc lịch sử trọng đại của đất nước, mở ra trang sử mới rạng rỡ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người dân Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, một nhà nước kiểu mới - nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được xây dựng. Việt Nam từ một nước nô lệ bị sự thống trị hà khắc của chính quyền thực dân, phong kiến, đã xuất hiện trên bản đồ thế giới với tư cách là một nước tự do và độc lập. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ, đã trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình...
Hơn ai hết, mỗi một người dân Việt Nam - những hậu duệ của rất nhiều thế hệ trước đó từng trải qua biết bao thiên tai, binh lửa, bao biến cố thăng trầm, những tiếp biến “vật đổi sao dời” ngàn năm, hết đời này sang đời khác - bằng máu huyết, thanh danh, trước vận mệnh của dân tộc và của chính mình, đều ý thức rõ ràng giá trị sâu sắc thiêng liêng và ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Ngày Ðộc lập.
Không ai có thể phủ nhận điều đó! Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, Chương 1, Điều 13, Mục 4 tiếp tục khẳng định: “Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”.
Cũng không ai có thể phủ nhận một sự thực lịch sử: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Ðảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giá trị lịch sử và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 còn mãi là di sản tinh thần to lớn, nguồn động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị phát huy nội lực, tự lực, tự cường thực hiện thắng lợi công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia; đã vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Việt Nam là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cần đúc kết những bài học giúp chúng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách: Ðó là bài học về nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bài học về sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bài học về tăng cường, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc - đoàn kết toàn Ðảng, đoàn kết quốc tế và bài học về sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Ðảng - nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam...
2. Trong giai đoạn mới, bên cạnh thành tựu đạt được, Việt Nam còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ còn nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn...
Trong khi đó, ở trong nước, bốn nguy cơ, thách thức đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ được chỉ ra tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII (diễn ra từ ngày 20 đến ngày 25-1-1994) vẫn tồn tại, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Trước bối cảnh đó, phát huy tinh thần và những giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tận tâm tận lực, nâng cao ý chí, giữ vững thành quả cách mạng, tiếp tục thực hiện các mục tiêu cao cả của Cách mạng Tháng Tám và Lời thề Độc lập khắc sâu trong tim mỗi người Việt Nam. Đặc biệt là thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; đem lại cuộc sống thực sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; hướng tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
3. Với tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 bất diệt, kỷ niệm 79 năm sự kiện trọng đại này chính là dịp để đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước, dẫn dắt Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta làm nên những thắng lợi vẻ vang. Đồng thời, chúng ta mãi ghi nhớ công lao to lớn của các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, của hàng triệu Anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc lão thành cách mạng, các gia đình liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với nước, cùng toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, lao động sáng tạo, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta, để mỗi năm đến ngày Quốc khánh 2-9, nhân dân cả nước ta tự hào và rạng ngời hạnh phúc chào mừng kỷ niệm ngày Độc lập.
Với tất thảy những gì đạt được trong suốt 79 năm qua kể từ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dân tộc Việt Nam - một dân tộc có nền văn hiến lâu đời, có trí tuệ, bản lĩnh, truyền thống kiên cường, bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo, đã từng làm nên những chiến công hiển hách, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.