(HNM) - Dự án đưa 600 trí thức trẻ - những người đã tốt nghiệp đại học về làm phó chủ tịch xã của các huyện nghèo, khó khăn vừa được khởi động đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận, đặc biệt là trong thanh niên.
Theo Bộ Nội vụ, các bạn trẻ tham gia dự án này sẽ có thu nhập gấp đôi một người vừa tốt nghiệp đại học và có việc làm tại một cơ quan nhà nước. Như vậy, chuyện cơm áo gạo tiền kể như được giải quyết. Các giải pháp để sau thời gian ở cơ sở, những trí thức trẻ này có cơ hội tiếp tục được khẳng định năng lực của mình cũng đã được bàn tới, nên họ có thể yên tâm, không đến mức phải quá so đo cho con đường sự nghiệp phía trước.
So với các phong trào tình nguyện trước đây, đề án này có tính khả thi cao hơn rất nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ, các tỉnh đã nhận được hơn 100 hồ sơ ứng viên dự tuyển cho chức phó chủ tịch xã khó khăn. Điều này cho thấy nhiệt tình và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ cho đất nước, cho dân tộc. Tuy nhiên, với những người mới rời ghế nhà trường, đảm nhận trách nhiệm "làm đầy tớ của dân" tại các xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa là vấn đề không đơn giản. Làm cán bộ cơ sở không chỉ cần có tri thức và nhiệt huyết trong những mái đầu xanh.
Trí thức trẻ về vùng sâu, vùng xa không chỉ để "đổi mới tư duy", "phổ biến kiến thức" cho những cán bộ ở đây thực hiện công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn... Họ phải thật sự là người trong cuộc. Và điều đó không như những ước mơ được chắp cánh từ khung trời đại học. Làm cán bộ cơ sở là chấp nhận "trăm dâu đổ đầu tằm" và phải có tố chất của một "con dao pha" - không chỉ thạo các công việc liên quan tới chế độ chính sách, phát triển kinh tế, mà còn phải am tường văn hóa, xã hội để hoàn thành chức trách công việc. Ở vùng đồng bằng đã khó, ở vùng đồng bào dân tộc nghèo còn khó hơn nhiều. Để cho dân tin, dân phục, dân làm theo… không chỉ "ba cùng" là được mà người cán bộ cơ sở cấp xã, "chân" phó chủ tịch ủy ban xã cần kiến thức tổng hợp và kinh nghiệm sống. Những người đã từng làm cán bộ, từng công tác ở vùng sâu, vùng xa hiểu hơn ai hết điều này.
Việc lập và triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế… ở vùng đặc biệt khó khăn không đơn giản, nhưng nếu có trình độ chuyên môn và cái "tâm" trong sạch là có thể làm được. Thế nhưng việc "đổi mới", "nâng cao" tư duy, nhận thức cho cán bộ địa phương ra sao? Rồi chân ướt, chân ráo về "ngồi" vào ghế phó chủ tịch phải xử lý công việc như thế nào?... Tất cả đang là những bài toán khó và khó nhất là cung cách ứng xử. Kinh nghiệm sống thực tế trong môi trường "đặc biệt" là những điều mà không một trường đại học nào ở Việt Nam có thể cung ứng đủ cho những người trẻ tuổi. Nhưng đó lại là hành trang không thể thiếu cho những con người ôm khát vọng dấn thân.
Rõ ràng để chủ trương đúng đắn và nhiều ý nghĩa của Đảng, Nhà nước thật sự thành công, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết là việc tuyển chọn để những phó chủ tịch tương lai thật sự là người có năng lực chuyên môn, có đạo đức, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lại là những người xung phong, tình nguyện quả là chuyện không dễ dàng. Chưa kể những người trẻ ấy cũng cần chuẩn bị thật tốt để có thể đương đầu với những thách thức mới từ thực tế khắc nghiệt, khác xa với giảng đường đại học mà họ vừa bước ra…
Trí thức trẻ Việt Nam đã có nhiều phong trào xung phong tình nguyện, đặc biệt là phong trào xung phong xây dựng Tây Bắc những năm 1960. Những "trường đại học mới" đã tôi luyện nhiều lớp trí thức trẻ Việt Nam trưởng thành, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước và là niềm tự hào của tuổi trẻ hôm nay. Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã của các huyện nghèo còn là câu chuyện dài. Nhưng một điều chắc chắn rằng, lớp trí thức trẻ của thời kỳ đổi mới, trong những điều kiện mới sẽ vượt qua mọi thách thức của thực tiễn để làm đẹp thêm tinh thần tình nguyện nối tiếp bước truyền thống của cha anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.