(HNM) - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là “tình trạng né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả...”.
1. Theo Từ điển tiếng Việt: “Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”. Và “trách nhiệm là phải bảo đảm làm tròn những việc được giao. Nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu hậu quả”. Với nghĩa như trên, rõ ràng là bất kỳ người nào trong xã hội chúng ta cũng phải có trách nhiệm, ít nhất là với mình, gia đình, người thân, với cộng đồng và với tự nhiên... Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, ngoài trách nhiệm như người bình thường thì còn phải thực thi công vụ phù hợp với quy định của pháp luật, đạt kết quả cao nhất và phải chịu trách nhiệm về những việc được giao.
Trong thực tế, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong mỗi ngành, lĩnh vực rất khác nhau, không đơn thuần là những việc dễ “chỉ mặt đặt tên” mà còn có cả những công việc không tên, không thể định danh và có những công việc mang tầm chiến lược, ý nghĩa lâu dài, nhất là những việc liên quan đến lãnh đạo, quản lý và liên quan đến quyền lợi của quốc gia, dân tộc.
Thực tiễn cho thấy, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm thì dù làm việc gì cũng cần mẫn, sáng tạo, trôi chảy và đạt hiệu quả cao, được đồng chí, đồng nghiệp quý trọng. Hay nói cách khác là do họ xác định đúng đắn vị trí và vai trò nên đã thể hiện trách nhiệm cao với công việc, có phương pháp làm việc đúng đắn, khoa học, tự tạo dựng được uy tín trong tập thể mà không cần đến lời nói ngon ngọt dụ dỗ; không cần dùng tiền bạc để mua chuộc cũng như không cần bất cứ một “chiếc ô”, “chiếc lọng” nào. Đó là những cán bộ tiềm năng hội tụ đầy đủ các phẩm chất “2 đúng”, “3 có” (đúng đường lối, chủ trương; đúng pháp luật, quy định hiện hành và có tâm, có tài, có đức) lợi cho sự nghiệp cách mạng.
Tuy nhiên, thời gian qua, cũng có lúc, có nơi trách nhiệm đã trở thành quả bóng được một số “kịch sĩ” chốn quan trường đẩy đi đẩy lại khéo léo đến độ mà cuối cùng chẳng ai nhận trách nhiệm và khiến cho sự việc bị “rơi vào quên lãng” và “ngủ yên”. Điển hình là vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng khiến ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng 4 cán bộ dưới quyền bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hay vụ việc liên quan đến những sai phạm ở Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), khi ông Phùng Danh Thắm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tương tự, bản án dành cho hai nguyên Thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cũng vì "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngay như ở Hà Nội gần đây cũng có một vụ việc tuy chưa gây hậu quả pháp lý nhưng rất đáng để suy nghĩ về tình trạng thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của một số cơ quan công quyền. Đó là việc công dân Nguyễn Ngọc Thơ, 79 tuổi (tổ 30, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất được xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm (trước đây) cấp để làm nhà ở năm 1992. Năm 1998, UBND thành phố Hà Nội có quyết định về danh mục đất công, đất chưa sử dụng, trong đó thửa đất của hộ ông Thơ nằm trong danh mục đất công, đất chưa sử dụng đã bàn giao cho địa phương quản lý theo tổng hợp của UBND quận Cầu Giấy.
Tuy nhiên, qua xác minh của UBND phường Yên Hòa, thửa đất hộ ông Thơ đang sử dụng bị thống kê nhầm vào danh mục đất công. Từ tháng 8-2017, thành phố đã giao UBND quận Cầu Giấy rà soát hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thơ, nhưng hơn 1 năm rưỡi trôi qua việc này vẫn chưa thực hiện xong. Tại buổi tiếp công dân ngày 28-3-2019, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phải trực tiếp chỉ đạo quận Cầu Giấy giải quyết theo đúng quy định xong trước ngày 30-6-2019…
Những ví dụ trên cho thấy, tình trạng ngại, sợ, né và thiếu trách nhiệm diễn ra ở nhiều nơi với các mức độ khác nhau. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức trong các cơ quan công quyền chạy theo tiêu chí để được lên cấp, lên chức, để được giao đảm nhận các dự án, đề án vốn có nhiều lợi ích mà quên chuyên tâm vào thực thi công việc, xao nhãng trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, thậm chí có cả hiện tượng làm ngơ, bao che cho những sai phạm “tham nhũng vặt” của cấp dưới.
2. Không phải đến giờ Đảng ta mới đề cập đến vấn đề thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, mà ngay từ tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong một bài viết: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”.
Ngày 2-7-2018, phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất rõ rằng: "Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né tránh trách nhiệm... thì làm sao xã hội phát triển được, trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí - những người thực thi". Điều này cho thấy, tình trạng ngại, sợ và né tránh trách nhiệm đã đến mức báo động.
Để trị hội chứng ngại, sợ, né và thiếu trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì vấn đề cốt yếu nhất là cần phải giảm các khâu trung gian trong lãnh đạo, quản lý và điều hành thực thi công vụ. Bởi thực tế, quá trình thực thi công vụ được tiến hành theo hệ thống ngành dọc từ trên xuống dưới và phân cấp trách nhiệm, có sự phối hợp giữa các bộ phận, lực lượng, các cơ quan chức năng. Nếu giảm được khâu trung gian thì công việc sẽ được giải quyết nhanh hơn và đỡ phức tạp hơn, đặc biệt là tinh gọn được bộ máy cồng kềnh. Tiếp đó là cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm của cá nhân, tập thể đồng thời xử lý kỷ luật đúng người, đúng tội danh, không bao che sai trái. Cấp ủy các cấp cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ.
Cùng với kỷ luật cá nhân vi phạm là tiến hành khen thưởng, động viên, khích lệ, nêu gương những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có ý thức trách nhiệm cao và đạt hiệu suất lao động tốt trong thực thi nhiệm vụ. Các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan cần thường xuyên cung cấp những thông tin liên quan đến đánh giá ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ dưới quyền để “lấy tập thể rèn cá nhân”, xử lý dứt điểm, có lý có tình các sai phạm của cá nhân, tập thể, không quy chụp, nâng quan điểm.
Trong tình hình hiện nay, cần phải kiên quyết lên án, đấu tranh hiệu quả với hội chứng ngại, sợ, né và thiếu trách nhiệm ngay tại mỗi cơ quan, đơn vị. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ hiện tượng trách nhiệm hình thức, trách nhiệm nửa vời là cách tốt nhất để xây dựng tập thể, cơ quan, đơn vị đoàn kết, ổn định, phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.