(HNM) - Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng ta trong nhiều năm qua. Tuy nhiên hiện nay, một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó có việc "không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác". Đây là “bệnh” nguy hiểm, cần phải được ngăn chặn kịp thời nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
1. "Không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác" có nguồn gốc từ sự cố chấp, bảo thủ và duy ý chí. Biểu hiện rõ nét của người không biết lắng nghe ý kiến hợp lý của người khác không chỉ ở chỗ ít ghi nhận góp ý đúng đắn mà luôn thể hiện sự áp đặt ý kiến cá nhân, bác bỏ quan điểm người khác, nhất là những ý kiến mang tính phản biện cao, những chia sẻ thiết thực để xây dựng cơ quan, đơn vị.
Biểu hiện xấu hơn của “bệnh” này sẽ dẫn đến vô cảm trước những tâm tư, đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Hơn nữa, trên thực tế, có những cán bộ không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn kiến nghị của cấp dưới và nhân dân. Thậm chí, họ còn cho rằng mình có thói quen "số lạ tôi không bao giờ nghe", "cố gắng" thuyết giảng khi cán bộ cấp dưới hay người dân tranh luận với mình... Đây là những biểu hiện vô cùng tai hại, bởi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ lãnh đạo phải luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng và của cả những người "không quan trọng".
Trong tình hình hiện nay, biểu hiện "không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác" thực chất là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Hệ quả là chủ trương, nghị quyết của cấp ủy không được thảo luận thấu đáo, nên khi đi vào cuộc sống không mang lại hiệu quả cao, thậm chí có lúc, có nơi còn gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cũng chính vì "không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác" nên đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn tới nhiều cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo các cấp, trong đó có cả cấp cao của Đảng, Nhà nước đã bị kỷ luật, cách chức, xóa chức, khai trừ khỏi Đảng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điển hình như trường hợp của ông Đinh La Thăng đã có nhiều sai phạm trong thời gian lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2006-2011.
Ngoài những biểu hiện trên, việc "không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác" còn được cảnh báo ở hiện tượng "trên nóng dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe" và nhiều trường hợp "dưới nhắc trên cũng không nghe" làm giảm niềm tin của nhân dân đối với kỷ cương pháp luật và tính liêm chính của hệ thống chính quyền các cấp. Về vấn đề này, phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra tại Hà Nội, ngày 30-12-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình, cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho người khác”.
Nguyên nhân của biểu hiện "không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác" là do cán bộ lãnh đạo và cấp ủy độc đoán, chuyên quyền, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Vì trên thực tế, không ít nơi, tập thể chỉ là "bình phong" để hợp thức hóa ý kiến người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Không ít cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu vừa không bám sát nội dung nguyên tắc, quy chế làm việc, thiếu bàn bạc dân chủ trong nội bộ, vừa lợi dụng vị trí, chức trách, quyền hạn được giao để áp đặt ý kiến của mình. Mặt khác, một số cán bộ chủ chốt vì động cơ, mục đích vụ lợi đã không thực sự tôn trọng, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể hoặc lợi dụng tập thể để thực hiện mục đích tư lợi. Hơn nữa, tập thể cấp ủy, lãnh đạo một số nơi lại nể nang, ngại va chạm, không dám nói khác, làm khác ý kiến người đứng đầu, làm cho dân chủ bị lợi dụng, thậm chí bị vô hiệu hóa.
2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì để nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ". Bởi vậy, theo Người, phải biết động viên, khuyến khích "khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến", tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.
Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác là một kỹ năng, phương pháp quan trọng không thể thiếu trong công tác lãnh đạo, quản lý. Vì muốn thành công trong công việc đòi hỏi phải biết lắng nghe và phải kiên nhẫn lắng nghe ý kiến quần chúng, nhân viên và của cán bộ dưới quyền. Đặc biệt là những ý kiến trái chiều, “trung ngôn nghịch nhĩ” là cách để cán bộ lãnh đạo tự soi, tự sửa và hoàn thiện mình.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo Luật Tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài. Trong trường hợp này, cán bộ tiếp công dân vẫn phải lắng nghe, giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu và thực hiện quyền của mình chứ không từ chối tiếp công dân. Bởi vì, xét ở khía cạnh nào đó, việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa làm hài lòng người dân, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ nên người dân tiếp tục thực hiện quyền của mình được pháp luật quy định.
Cuối cùng, để được nghe đúng, nghe hết ý kiến hợp lý của người khác đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; đạo đức cách mạng trong sáng; trong công tác và thực hiện nhiệm vụ phải khắc phục biểu hiện quan liêu, hành chính hóa.
Đặc biệt, năm 2020 là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Một trong những hoạt động hết sức quan trọng, không thể thiếu của đại hội Đảng các cấp là thảo luận, thông qua báo cáo chính trị. Đây là văn kiện trung tâm của đại hội, vừa có giá trị tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các lĩnh vực đời sống xã hội trong nhiệm kỳ tiếp theo của mỗi cấp bộ Đảng. Do đó, các cấp bộ Đảng phải biết lắng nghe những ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng của các đại biểu dự đại hội, từ đó chắt lọc, hoàn thiện nghị quyết đại hội Đảng bộ cấp mình sát thực tiễn và chỉ có vậy thành công của đại hội mới thực chất. Bởi đại hội Đảng các cấp không chỉ bầu ra cấp ủy mới xứng đáng mà nghị quyết chỉ có thể được hoàn thiện đầy đủ sau khi đã tiếp thu góp ý của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây là yêu cầu cần được thực hiện tốt, giúp ngăn chặn hiện tượng "không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác", tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.