(HNM) - Cuối tuần qua, hội nghị phát triển hợp tác chống nạn tiêu cực và dàn xếp tỷ số trong bóng đá được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn Bóng đá Châu Á, Interpol, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Bộ Công an, Bộ Tư pháp…
Đó là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ cung cấp thông tin về quy mô của hệ thống cá cược thể thao trên phạm vi toàn thế giới mà còn về ảnh hưởng của hệ thống này đối với nền bóng đá Việt Nam cũng như vấn nạn cá độ bất hợp pháp trong nước.
Theo thông báo từ Interpol, có tới 79 trong số hơn 200 công ty cá cược thể thao hợp pháp trên toàn thế giới cho phép đặt cược đối với các trận đấu bóng đá tại Việt Nam, không chỉ các trận đấu quan trọng ở cấp độ đội tuyển mà còn cả những trận đấu "nhỏ". Trước đó, các chuyên gia về cá cược thể thao cũng như các tổ chức có nghiên cứu sâu về thị trường cá cược thể thao đã đưa ra nhận định rằng Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng là mảnh đất màu mỡ đối với các tổ chức cá cược và những kẻ chủ mưu dàn xếp tỷ số. Tình hình "nóng" đến mức có tin FIFA đã tài trợ 20 triệu euro để thành lập đội đặc nhiệm chuyên điều tra nạn bán độ. Tại Việt Nam, hoạt động cá cược bất hợp pháp và nạn dàn xếp tỷ số các trận đấu bóng đá đã và đang diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng trong thời gian diễn ra Giải Vô địch bóng đá thế giới 2014, lực lượng công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm cá độ với lượng tiền giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Bóng đá Việt Nam từng điêu đứng trước hàng loạt vụ cầu thủ tham gia bán độ, cả ở cấp độ đội tuyển cũng như câu lạc bộ…
Bức tranh toàn cảnh vốn không sáng sủa, giờ có thêm thông tin chính thức từ Interpol về quy mô hoạt động của các tổ chức cá cược hợp pháp và bất hợp pháp trên phạm vi toàn cầu đang gây ảnh hưởng lớn tới nền bóng đá và tình hình tệ nạn xã hội tại Việt Nam, cho thấy công tác phòng chống nạn cá cược và dàn xếp tỷ số cần được tiến hành quyết liệt và bài bản hơn. Theo đánh giá của FIFA và cơ quan phòng chống tội phạm quốc tế, nạn cá độ bất hợp pháp và dàn xếp tỷ số trong bóng đá ngày càng diễn ra một cách tinh vi, do vậy, các giải pháp đơn lẻ được thực hiện bởi những tổ chức đơn lẻ không thể đem lại hiệu quả cao.
Thực tế cho thấy tại Việt Nam, vấn nạn liên quan bóng đá chỉ có thể bị loại trừ nếu chúng ta có được một hệ giải pháp mang tính tổng hợp, có sự tham gia của nhiều ngành chứ không chỉ ngành công an. VFF cần hoàn thiện phương án quản lý, tổ chức các giải đấu, cách thức đánh giá các trận đấu một cách khoa học nhằm tránh đưa ra kết luận cảm tính hoặc "bó tay" trước những trận đấu "bốc mùi". Các câu lạc bộ cần nâng cao trách nhiệm quản lý cầu thủ, kiên quyết loại trừ những thành viên dính dáng tới đường dây cá độ. Cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, rõ tính chủ động của ngành thể thao và ngành công an nhằm nhanh chóng phát hiện những thủ đoạn dàn xếp tỷ số có sự tham gia của cầu thủ, trọng tài bóng đá…
Cuối năm 2014, thất bại ngoài dự đoán của Đội tuyển quốc gia Việt Nam trước Malaysia tại AFF Suzuki Cup đã dẫn đến sự nghi ngờ rằng đó là một trận đấu "có mùi". Lãnh đạo VFF công khai tỏ ý nghi ngờ thái độ thi đấu của các tuyển thủ và ngay cả khi AFF ra tuyên bố, khẳng định rằng không có cơ sở để đặt vấn đề về sự bất thường ở trận đấu này thì nỗi nghi kỵ vẫn còn đeo đẳng các tuyển thủ. Bởi vậy, làm tốt công tác phòng chống nạn cá cược bất hợp pháp không chỉ góp phần triệt tiêu ý đồ dàn xếp tỷ số, bảo vệ nền bóng đá mà còn tránh cho các cầu thủ luôn phải sống trong bầu không khí nghi ngờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.