Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trẻ rối loạn tâm thần do nghiện game gia tăng

Theo Phạm Minh| 21/11/2014 10:47

Tiến sỹ Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện 103 cho biết, nghiện game ngày càng phát triển và gây nhiều hậu quả nặng nề. Bệnh đang dần trở thành vấn nạn của xã hội.

Người nghiện game gồm 2 nhóm:

- Nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy

- Nhóm triệu chứng trầm cảm

Nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy

- Thèm chơi game: Người nghiện game luôn thèm muốn được chơi game, luôn nói về game, mất tập trung, hay cáu gắt hoặc mất các hứng thú khác.

- Chơi game liên tục: Người nghiện game chơi game liên tục, không nghỉ trong nhiều giờ. Người nghiên game có thể biện minh cho việc chơi game là vào mạng là để làm việc, tìm thông tin, đọc thư điện tử, có thể nói dối để được chơi game.

- Không kiểm soát được việc chơi game: Người nghiện game không kiểm soát được thời gian chơi game trên máy tính. Người nghiện game tốn rất nhiều thời gian cho chơi game. Họ thường chơi nhiều giờ mỗi ngày.

- Bỏ bê các công việc khác: Vì chơi game quá nhiều nên người nghiện game không quan tâm đến các công việc khác. Họ bỏ mặc các mối quan hệ bạn bè và gia đình, những người rất thân thiết với họ trước đây. Người nghiện game không học bài, không làm bài tập, không hoàn thành công việc ở cơ quan và ở nhà.

- Che dấu các cảm giác: Người nghiện game tự dùng thuốc để điều trị cho mình chứ không báo cho gia đình biết và không chịu đi chữa bệnh (sợ ảnh hưởng đến thời gian chơi game). Khi có các cảm giác và tình huống khó chịu, họ lại chơi game để che dấu các cảm giác và tình huống khó chịu này. Người nghiện game dùng thế giới ảo để chạy trốn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thực.

- Nói dối về thời gian chơi game: Người nghiện game thường nói dối về thời gian chơi game, họ sẽ che dấu sự thật bằng cách nối dối. Khi game thủ từ chối nói thật về thời gian chơi game, chứng tỏ có điều gì bất ổn. Các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân dễ dàng nhận thấy người nghiện game nói dối.

- Sử dụng sai về tiền bạc: Người nghiện game online thường tiêu tốn nhiều tiền để mua máy tính, màn hình, bộ loa. Họ luôn tìm cách nâng cấp phần mền, phần cứng, đường truyền để thỏa mãn ham muốn chơi game của mình. Họ có thể tiêu nhiều tiền để chơi game ở các điểm chơi game công cộng.

- Cảm xúc không ổn định: Cũng như nghiện ma túy, người nghiện game online có trạng thái phấn khích khi chơi game. Nhưng trạng thái này nhanh chóng chuyển thành thất vọng. Trạng thái thất vọng này có thể chỉ tồn tại trong lúc chơi game, nhưng cũng có thể tồn tại bền vững cả ngày.

Nghiện game ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa.



Nhóm triệu chứng trầm cảm

- Khí sắc trầm
- Mất hứng thú và sở thích
- Mất ngủ
- Chán ăn, ăn ít
- Rối loạn tâm thần vận động
- Giảm sút năng lượng
- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi
- Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định
- Ý nghĩ muốn chết và hành vi tự sát

Nguyên nhân gây rối loạn tâm thần

Hiện nay, xu hướng gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam rất đáng báo động vì trẻ em có điều kiện tiếp xúc với máy tính từ sớm.

Rối loạn tâm thần do nghiện game là một trong 10 rối loạn thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có con số điều tra cụ thể, tuy nhiên qua thực tiễn điều trị, số lượng bệnh nhân điều trị tâm thần do nghiện game đang gia tăng theo từng năm và chủ yếu là người trẻ.

Thực tế, con số này còn lớn hơn rất nhiều do người nghiện game luôn giấu diếm, không chịu thừa nhận. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ thường không chú ý đến vấn đề này và cũng e ngại khi đưa con đến bệnh viện tâm thần điều trị, thường bao che cho con.

So với điều trị nghiện rượu hay ma túy, việc điều trị nghiện game không mất nhiều thời gian, tiền bạc, nguy cơ tái nghiện thấp. Theo thống kê của BV Tâm thần T.Ư 1, có khoảng 1/3 bệnh nhân sau lần điều trị đầu tiên bị tái nghiện, còn sau lần thứ hai thì số bệnh nhân tái nghiện rất ít. Điều trị nghiện game cần phải thay đổi, cách ly môi trường, không cho bệnh nhân tiếp cận với phương tiện chơi game, đồng thời sử dụng thuốc lập lại ăn ngủ.

Nhiều trẻ khi điều trị cho biết, lúc nào cũng có cảm giác màn hình máy vi tính vô hình ở trước mặt mình, luôn mất tập trung và không quan tâm đến sự việc và mọi người ở xung quanh.

Do vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, gia đình cần chú ý đến việc chơi game của trẻ. Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trẻ rối loạn tâm thần do nghiện game gia tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.