(HNM) - Đến nay, hầu hết các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện xong các bước chuẩn bị nhân sự cho đại hội (ĐH) theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Thành ủy.
Tuy nhiên, không ít đảng bộ cơ sở đang vướng, chưa biết làm thế nào để trẻ hóa đội ngũ cấp ủy theo các tiêu chí: cấp ủy viên cơ sở phải có trình độ đại học về chuyên môn và trình độ trung cấp lý luận chính trị (riêng cấp xã, phường, thị trấn ít nhất phải có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên); tỷ lệ cấp ủy mới, trẻ tuổi (dưới 33 tuổi) đạt tỷ lệ 15% trở lên...
Được Trung ương đánh giá cao về kết quả tổ chức ĐH đảng bộ cơ sở, thực hiện thí điểm bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, tuy vậy Hà Nội cũng ở trong tình trạng thiếu hụt về tiêu chí cấp ủy viên trẻ tuổi. Tỷ lệ này đạt quá thấp (trong số hơn 100 cơ sở được lựa chọn đại hội thí điểm bầu trực tiếp các chức danh chủ chốt thì chỉ có vài đảng bộ đạt tỷ lệ 15% số cán bộ trẻ tham gia cấp ủy); các đảng bộ cơ sở khác, tỷ lệ này cũng chỉ đạt trên dưới 10%. Vấn đề ở đây là, liệu có phải do cán bộ trẻ còn yếu, chưa được cấp ủy tin tưởng, hay là do cấp ủy nơi đó chưa tin ở lực lượng trẻ, không làm tốt công tác quy hoạch cán bộ? Trăn trở về việc này, lãnh đạo của một huyện ngoại thành kể, khi chỉ đạo ĐH điểm ở một đảng bộ xã, Huyện ủy đã đưa 2 cán bộ trẻ dưới 30 tuổi vào danh sách bầu cấp ủy, thế nhưng khi bầu thì cả hai đều trượt. Bí thư Đảng ủy xã Đồng Thái (Ba Vì) cũng bộc bạch, việc đòi hỏi cấp ủy viên vừa bảo đảm tiêu chí về độ tuổi, trình độ, vừa có uy tín đối với các tổ chức Đảng - nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi như Ba Vì, không phải dễ. Nhưng mừng là ở nơi khó khăn này đã có sự chuẩn bị khá tốt và kỹ cho ĐH điểm của huyện (với 7/15 ứng viên trình độ ĐH, trong đó có chức danh phó bí thư). Nguyên nhân chính là có sự đồng thuận cao trong cấp ủy và còn bởi trong nhiều năm qua xã đã quan tâm đào tạo, quy hoạch cán bộ nguồn...
Khó hay dễ việc trẻ hóa cấp ủy cơ sở? Ở đây có hai vấn đề: Một là, cấp ủy nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến cán bộ trẻ, thậm chí chưa tin ở lớp trẻ nên bị động trong đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng; chưa tạo môi trường cho họ phấn đấu, rèn luyện, đến lúc cần thì không chọn được người đủ tiêu chuẩn và tín nhiệm cao. Hai là, đội ngũ cán bộ xã, thị trấn hiện tại đang quá tuổi, lại chưa đạt trình độ chính trị, chuyên môn. Số được đào tạo bài bản về chuyên môn thì thời gian công tác chưa dài, uy tín chưa cao, trình độ chính trị chưa bảo đảm yêu cầu; khi đưa ra lấy ý kiến trong Đảng ủy thì chưa có sự nhất trí cao...
Việc Thành ủy Hà Nội yêu cầu cấp ủy các cấp rà soát, bổ sung quy hoạch nhân sự và chỉ đạo để bảo đảm tỷ lệ 15% cán bộ trẻ tham gia cấp ủy khóa tới có thể giải mã cho bài toán trẻ hóa cấp ủy cơ sở. Hy vọng với các giải pháp tạo nguồn quy hoạch, sử dụng và luân chuyển cán bộ trẻ; triển khai kế hoạch đào tạo 1.000 cán bộ nguồn là cán bộ đoàn và sinh viên khá, giỏi cho cơ sở, đồng thời bồi dưỡng 1.000 thanh niên tốt nghiệp đại học về xã, phường, thị trấn, nhất là các xã vùng xa trung tâm mà TP đang thực thi, sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.