Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trẻ 15 tuổi trở lên được mở tài khoản ngân hàng: Còn nhiều băn khoăn

Kim Vũ| 03/04/2018 07:16

(HNM) - Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước mà không cần có tài sản riêng đảm bảo... là quy định mới, có hiệu lực từ tháng 3-2018 theo Thông tư 26/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 29-12-2017.


Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng:
Có lợi, nhưng nguy cơ khó lường


Tôi rất hoan nghênh với điểm mới của Thông tư 26. Việc cho trẻ từ 15 tuổi được phép sử dụng các loại thẻ của ngân hàng là tạo cơ hội cho các em được quản lý tài chính. Các em đã đến tuổi chủ động tìm mua sách vở, đồ dùng học tập, chi tiêu cá nhân, sử dụng phương tiện công cộng... Tạo thói quen tự quản lý tài chính cá nhân từ nhỏ cũng là một cách giúp trẻ tạo tính tự lập.

Lập tài khoản ngân hàng cho trẻ trên 15 tuổi chưa được nhiều phụ huynh áp dụng. Ảnh: TẤN THẠNH


Tuy nhiên, lợi thì có lợi nhưng mặt trái cũng rất khó lường. Việc để cho một trẻ em 15 tuổi được tự do sử dụng số tiền trong thẻ có thể khiến các em rơi vào vòng xoáy của cám dỗ. Chẳng hạn thẻ sẽ được sử dụng bừa bãi vào chơi game, mua sắm, cho bạn bè mượn tiền bằng cách quẹt thẻ, thậm chí, nhiều trẻ tham gia mua bán đồ chơi bạo lực, ma túy… Việc các em thiếu kiểm soát một phần lỗi do chính các phụ huynh: Có bố mẹ cấm hoàn toàn việc tiếp xúc với việc chi tiêu tiền của các con từ nhỏ nên khi được sử dụng thẻ các em sẽ thiếu phương hướng; hoặc là có bố mẹ để cho con cái tiêu pha một cách vô tội vạ từ bé, sẽ tạo thói quen xấu đến khi được sử dụng thẻ sẽ càng khó kiểm soát.

Hiện nay, nhiều phụ huynh do bận làm việc, không có nhiều thời gian dành cho con nên muốn bù đắp cho chúng bằng những món đồ xa xỉ, thậm chí cho trẻ sử dụng thẻ vô điều kiện và không kiểm soát. Vì vậy, nếu các phụ huynh không khống chế số tiền có trong thẻ thì dẫn đến những hậu họa khó lường...

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Luật Basico:
Cần học hỏi kinh nghiệm nước ngoài

Việc cho trẻ em sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước là đúng luật, cần thiết. Đây còn là bước tiến trong chính sách về hoạt động thẻ ngân hàng của cơ quan quản lý nhà nước theo thông lệ quốc tế. Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 16 quy định: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước. Việc nới lỏng chính sách tạo cho trẻ em được tự tính toán chi tiêu cho mình, là cách chuẩn bị tốt nhất cho các em trước khi bước vào môi trường học trung học phổ thông, đại học để chuẩn bị hành trang cho tương lai. Các em sẽ biết cách giữ gìn, nâng niu những đồng tiền mà bố mẹ dành cho mình.

Tuy nhiên, việc cho trẻ dùng thẻ ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự an toàn, khó kiểm soát. Ít gia đình định hướng cho con tính toán khoa học trong chi tiêu. Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, khi cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thẻ nào cũng phải có người bảo trợ. Các ngân hàng cũng có những chương trình tập huấn kiến thức cơ bản, những cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo qua mạng cho trẻ. Đồng thời cần tính đến việc kiểm soát một số trang web xấu. Chẳng hạn ở một số nước như Malaysia, Thái Lan… có phần mềm hạn chế người dùng truy cập vào một số trang web có nguy cơ tiêu cực cao. Việc bảo vệ mật khẩu với trẻ em cũng cần được giáo dục cụ thể để tránh việc bị kẻ xấu lạm dụng tiêu tiền khi các em làm rơi hoặc bị ăn cắp thẻ. Tại các nước Nhật Bản, Đức... đã phát hành thẻ ATM cho người dưới 15 tuổi có bảo lãnh của chủ thẻ chính. Và loại thẻ này không được rút tiền mặt mà chỉ được dùng để thanh toán.

Chị Nguyễn Kiều Trinh (quận Hai Bà Trưng):
Tôi chưa sẵn sàng cho con làm thẻ


Con trai tôi 16 tuổi nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho làm thẻ vì từ bé đến giờ cháu không biết tiêu tiền. Trong khi đó, bên ngoài còn nhiều cám dỗ, nếu bạn bè hay kẻ xấu lợi dụng, dỗ ngon ngọt mua đồ thì con trai tôi sẽ rất dễ đưa thẻ cho bạn.

Tuy nhiên, thời gian tới tôi sẽ dạy con cách sử dụng thẻ để khỏi bỡ ngỡ trong cuộc sống. Bước đầu, tôi sẽ cho con mở thẻ ghi nợ. Hằng tháng, tôi chuyển vào tài khoản số tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng và cháu không được dùng quá số tiền mà thẻ đang có. Tôi cũng sẽ đăng ký dịch vụ nhắn tin báo biến động tài khoản, có như vậy mới kiểm soát được. Về lâu dài, đó cũng là cách để dạy cho con biết cách chi tiêu, có thể tự lập và tự thanh toán một số mặt hàng cho bản thân.

Anh Ngọc Trường (quận Hà Đông):
Sẽ cho con làm thẻ và có giám sát


Từ năm con gái 14 tuổi, tôi đã cho dùng thẻ phụ để tập cách chi tiêu, làm hành trang cho năm 16 tuổi đi học ở nước ngoài. Đầu tiên là việc dùng thẻ để đi siêu thị, trả tiền vé tháng xe buýt, mua sách... tại các hiệu sách có dùng máy quẹt thẻ. Sau này, mỗi lần bận đi công tác, tôi đã thử thách con gái bằng cách đưa thẻ đến đóng tiền học ở trường. Vài lần như vậy, tôi cũng thấy yên tâm hơn.

Tuy nhiên, vì môi trường xã hội phức tạp nên tôi chưa dám mạo hiểm cho con làm thẻ với mệnh giá lớn. Tôi sẽ chỉ làm thẻ ghi nợ mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng để cháu thuận tiện chi tiêu, cũng là cách để con hạch toán chi tiêu cho cuộc sống sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ 15 tuổi trở lên được mở tài khoản ngân hàng: Còn nhiều băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.