(HNM) - Nếu để ý, khá nhiều người Việt Nam có khổ người bình thường, tức không gầy, không béo đều nhận thấy rất khó mặc vừa vặn một cái áo sơ-mi của các Cty dệt may trong nước, ngay cả những hãng có tên tuổi như VT, MM, A...
(HNM) - Nếu để ý, khá nhiều người Việt Nam có khổ người bình thường, tức không gầy, không béo đều nhận thấy rất khó mặc vừa vặn một cái áo sơ-mi của các Cty dệt may trong nước, ngay cả những hãng có tên tuổi như VT, MM, A...
Vì thường là chiếc áo chỉ vừa vặn cỡ cổ chứ thân áo rộng, tay áo dài, mặc vào nom cứ lùng bùng. Muốn chiếc áo vừa với thân thì phải chấp nhận... khó thở vì phải chọn cái có cỡ cổ bé hơn. Rất đơn giản, phần lớn áo của các Cty, đặc biệt là những hãng mạnh, được thiết kế cho size của người nước ngoài.
Xuất khẩu đã trở thành một nhiệm vụ, một hướng đi, một mục tiêu của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp của ngành này năm nay đã đạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu, đưa dệt may vào tốp mấy ngành thế mạnh. Tuy nhiên, trong khi hăng hái với mục tiêu này, khá nhiều doanh nghiệp lại bỏ trống thị trường nội địa.
“Sân nhà” là một mảnh đất màu mỡ, ngoài thị trường hơn 84 triệu dân còn khoảng 4 triệu du khách quốc tế mỗi năm. Song theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mỗi năm thị trường may nội địa chỉ tăng trưởng khoảng 15%, một con số quá ít ỏi. Và trên thực tế, hàng dệt may trên thị trường nội địa đang lép vế trước hàng Trung Quốc và hàng nhái, hàng giả, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Cũng theo Hiệp hội, nguyên nhân chính là doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến sân nhà. Vì thế, ngoài khó khăn là phải nhập đến 70% nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp luôn vắt chân lên cổ lo mẫu mã thiết kế, quảng bá thương hiệu theo trào lưu đã được... hàng lậu, hàng nhái, hàng giả tạo nên trên thị trường.
Giành lại sân nhà đã trở thành một mục tiêu, một chiến lược của ngành công nghiệp đang được coi là mũi nhọn xuất khẩu - theo các nhà quản lí - là điều quả thực trớ trêu. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân cho biết, các doanh nghiệp không chỉ phải nắm bắt xu hướng thị trường thời trang thế giới, tung ra kịp thời mà từ góc độ quản lí cần phải tổ chức lại thị trường nội địa, phân khúc theo từng nhóm tiêu dùng khác nhau.
Tuy nhiên, mới chỉ một vài doanh nghiệp làm được điều này khi tung ra những dòng thời trang chuyên biệt, nhắm đến một số nhóm đối tượng tiêu dùng khá cụ thể. Còn lại, tình trạng một người Việt Nam khổ người bình thường, lùng bùng trong cái sơ-mi của doanh nghiệp dệt may nội địa vẫn phổ biến...
Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, cũng giống như con trâu đi ăn cỏ đồng xa. Nhưng trâu ta ăn cỏ đồng xa thì cũng mong Đừng hăng xa quá, cỏ nhà hết bay.
Nguyên An
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.