(HNM) - Những bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về việc cơ cấu lại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng mang đến lo ngại sẽ gây khủng hoảng cho định chế tài chính lớn nhất thế giới vừa được hóa giải cuối tuần qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại thành phố biển Gyeongju của Hàn Quốc.
Bằng việc trao cho các nước đang phát triển vai trò lớn hơn trong bộ máy điều hành IMF, cơ quan quản trị tiền tệ toàn cầu đã chính thức bước vào cuộc cải tổ lớn nhất kể từ thời điểm thành lập vào cuối Đại chiến Thế giới thứ hai (năm 1945) đến nay.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại Gyeongju (Hàn Quốc) đã ủng hộ sự thay đổi mang tính bước ngoặt của IMF. |
Sự đồng thuận của các Bộ trưởng Tài chính G20 về một vấn đề không dễ nhượng bộ tại hội nghị được xem là một thỏa thuận lịch sử sẽ làm thay đổi IMF. Từ chỗ chỉ là lãnh địa của các đại gia Âu - Mỹ, tổ chức tài chính quan trọng này đã ghi nhận sự tham gia nhiều hơn của các nền kinh tế đang trỗi dậy trong Hội đồng Điều hành gồm 24 người của IMF. Quyết định chuyển giao 2 ghế trong hội đồng quyền lực của châu Âu cho các nước đang phát triển đã nâng tỷ lệ bỏ phiếu của các nền kinh tế mới nổi lên 6%. Quan trọng hơn, điều đó giải đáp nhiều lời phàn nàn rằng nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) chưa có được vị thế tương xứng tại IMF so với sức mạnh kinh tế đang ngày càng nặng ký của mình trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, để châu Âu chấp nhận từ bỏ 2 trong 9 ghế điều hành tại IMF không đơn giản. Một cuộc cạnh tranh quyền lực cùng các tranh cãi nảy lửa giữa Mỹ và châu Âu đã diễn ra gay gắt. Washington muốn Brussels chia sẻ bớt những chiếc ghế "nóng" đang nắm giữ tại ban quản trị có "quyền sinh quyền sát" của IMF. Lập luận đưa ra là định chế tài chính lớn nhất thế giới có thể không thích hợp và mất tính hợp pháp, nếu không thay đổi và thể hiện đầy đủ trách nhiệm với cả nước giàu lẫn nước nghèo. Châu Âu dĩ nhiên không thể dễ dàng nghe theo sự "sắp đặt" của đối tác lớn bên kia bờ Đại Tây Dương nhằm giảm bớt sự chi phối của lục địa già trong Ban Giám đốc IMF. Người châu Âu cho rằng, thật vô lý khi họ phải trao bớt quyền trong khi nước Mỹ vẫn giữ nguyên 17% quyền bỏ phiếu trong kế hoạch cải cách bước ngoặt. Thái độ "mặt nặng mày nhẹ" giữa hai người bạn lớn đã khiến những lời cảnh báo về sự bất ổn trong nội bộ IMF liên tiếp được đưa ra. Quyết tâm buộc châu Âu phải nhường nhịn, Washington đã từ chối thông qua nghị quyết giúp châu lục này duy trì ảnh hưởng đa số trong Hội đồng Điều hành IMF hôm 6-8. Hành động chưa từng có của cổ đông lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong IMF đã cho thấy nhiều điều hơn những chiếc ghế tại tổ chức tiền tệ đầy quyền lực này. Nhiều ý kiến tin rằng, căng thẳng kinh tế giữa Mỹ với châu Âu đang gia tăng quanh các quy định mới về thanh khoản trên toàn cầu của các ngân hàng, cũng như sự khác biệt trong quan điểm thời hậu khủng hoảng. Trong khi châu Âu đang đề cao các biện pháp tài khóa khắc khổ thì Mỹ lại nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm sự phục hồi kinh tế nhờ gia tăng chi tiêu.
Tuy nhiên, cho dù dự án cải tổ mang tính lịch sử trên sẽ phải chờ để nhận được sự thông qua của Hội đồng Điều hành IMF vào đầu tháng 11 tới, song quyết định của các bộ trưởng G20 đã phá vỡ được quy luật tưởng chừng không thể phá vỡ: Đó là sự thống trị của Mỹ và châu Âu tại IMF. Một trật tự kinh tế của thời hậu Thế chiến thứ hai thông qua sự phân chia ghế ngồi trong tổ chức tài chính toàn cầu này đang biến đổi trước những thách thức từ các nền kinh tế mới trỗi dậy. BRIC sẽ có tiếng nói lớn hơn trong 10 cổ đông lớn nhất của IMF gồm: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Italy, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc trong việc quyết định và giám sát các khoản tín dụng khẩn cấp trị giá nhiều tỷ USD cho các nước gặp khó khăn về tài chính; đồng thời thực hiện sứ mệnh tăng cường hợp tác tiền tệ toàn cầu, bảo đảm ổn định tài chính, thúc đẩy thương mại quốc tế, việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm đói nghèo khắp thế giới.
IMF - Tổ chức quốc tế gồm 187 thành viên có trụ sở tại Washington DC đang chứng kiến cuộc đổi thay bước ngoặt phản ánh sự hình thành một trật tự thế giới mới trên bàn cờ địa kinh tế. Trong đó, các nước đang phát triển năng động dần khẳng định vai trò trong những cơ quan đầu não của hành tinh. Sự chuyển dịch quyền lực đó được nhìn nhận như một tất yếu trong thế giới đang từng ngày thay đổi và đối mặt với không ít biến cố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.