(HNM) - Bước vào năm 2013 - Năm an toàn giao thông quốc gia, dư luận xôn xao, báo chí tốn nhiều giấy mực xung quanh vấn đề xử phạt xe
Các luồng ý kiến đưa ra "cày xới" việc có nên hay không nên xử phạt, tính khả thi của công tác xử lý vi phạm... mà quên đi cái gốc của các biện pháp này là cần nâng cao ý thức chấp hành TTATGT, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, đồng thời hoàn thiện công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Người dân đổi mũ bảo hiểm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Ảnh: Như Ý |
Gần đây, cùng với chiến dịch đổi MBH không hợp chuẩn lấy MBH hợp chuẩn, một số trang thông tin đại chúng đưa ra thông tin rằng từ ngày 15-4, cơ quan chức năng sẽ xử phạt người đi trên mô tô, xe máy đội MBH không hợp chuẩn. Cùng với đó là kiểu suy diễn rằng, từ thời điểm trên, CSGT sẽ chặn dừng người đi xe máy đội MBH không hợp chuẩn để phạt.
Về vấn đề này, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ CA khẳng định, theo quy định hiện hành, lực lượng CSGT khi thực thi nhiệm vụ chỉ xử phạt vi phạm liên quan đến MBH gồm: không đội mũ; đội mũ không cài quai đúng quy cách. Chưa có quy định nào xử phạt người tham gia giao thông đội mũ không bảo đảm chất lượng, quy chuẩn. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục CSGT đường bộ - đường sắt cũng cho biết, chưa có quy định và chế tài xử phạt nên các lực lượng chức năng chưa có căn cứ để lập biên bản vi phạm và do đó chưa xử lý các trường hợp đội MBH không hợp chuẩn.
Tương tự, về việc xử lý phương tiện chưa chuyển quyền sở hữu, nhiều luồng thông tin không rõ ràng, thậm chí "đá" nhau, cũng khiến cho dư luận hoang mang. Về vấn đề này, Trung tướng Phạm Quý Ngọ khẳng định, Bộ CA chưa bao giờ dùng khái niệm xe "chính chủ" và chưa bao giờ nói rằng chỉ người có tên trong giấy đăng ký mới được điều khiển phương tiện đó như dư luận đã phản ánh trong thời gian qua. Nếu người điều khiển phương tiện có đầy đủ giấy tờ theo quy định, CSGT không được quyền hỏi người dân về việc xe có hay không "chính chủ".
Vì sao dư luận phải ồn ào mất một thời gian dài về những việc trên? Phải nói rằng, nguyên nhân trước tiên là do chính các cơ quan chức năng liên quan về các quy định này còn lúng túng trong việc xây dựng hành lang pháp lý. Khi đã có quy định hoặc còn đang bàn bạc để có biện pháp phù hợp thì công tác tuyên truyền không được chú trọng, khiến cho thông tin nhiễu loạn. Từ đó, dẫn đến cách hiểu sai, hiểu không đúng bản chất và hàng loạt suy diễn khác, khiến cho vấn đề xử phạt vi phạm trở thành đề tài đàm tiếu.
Về vấn đề MBH, quan điểm xây dựng quy định mũ hợp chuẩn cần phải được khẳng định rõ là vì lợi ích của người dân, có tác dụng bảo vệ người tham gia giao thông, khi mà 70% số vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe máy và 30% vụ chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Về lâu dài, lãnh đạo Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, đang tham mưu, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành quy định và chế tài xử lý, nhằm tránh tình trạng người tham gia giao thông đối phó, đội MBH không bảo đảm chất lượng.
Việc quy định bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện cũng hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua bán, trao tặng, tránh những tranh chấp dân sự, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Không dừng phương tiện để xử phạt hành vi không chuyển quyền sử dụng nhưng việc xử lý sẽ được thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp BKS, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, các phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và phương tiện trong các vụ án hình sự... Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, việc xử phạt hành vi này sẽ được thực hiện từ ngày 15-4.
Như vậy, có thể thấy rõ việc đề ra các quy định về MBH hay phương tiện phải chuyển quyền sử dụng khi mua bán là nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực TTATGT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.