(HNMO) - Chiều 9-12, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm phòng chống xâm hại tình dục trẻ em giữa các chi hội luật sư, luật gia và chi hội nhà báo bảo vệ quyền trẻ em.
Theo thống kê, trong 5 năm (2011-2015), trên cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, số vụ xâm hại tình dục trẻ em nam có xu hướng gia tăng. Mỗi năm có khoảng hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục trên tổng số hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em hàng năm. Nhiều vụ trẻ bị xâm hại ở tuổi 5-13; 93% nạn nhân quen biết kẻ xâm hại mình; 47% kẻ xâm hại là họ hàng, thành viên gia đình với nạn nhân.
Theo các chuyên gia, số vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận tại Việt Nam trong những năm qua thực tế chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, rất nhiều vụ, do bị dọa dẫm hay vì lý do nạn nhân sợ hãi, e dè mà không báo cáo. Tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em qua các năm có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, trung bình tăng 12,8% về số vụ và 10,55% về số đối tượng. Nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Xâm hại tình dục đối với trẻ em không chỉ làm tổn thương trẻ vào thời điểm khi hành vi xâm hại diễn ra mà còn có thể tiếp tục gây tổn thương nạn nhân trong suốt quãng đời còn lại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, việc tham gia của luật gia, luật sư đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em còn ở mức độ khiêm tốn, chưa phát huy hết vai trò, vị trí để bảo đảm công bằng cho nạn nhân, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa tạo ra được thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư, dùng luật sư riêng… Vì vậy, khi sự cố pháp lý về xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thì trẻ em và cha mẹ, người giám hộ thường lúng túng, không biết phải bắt đầu từ đâu. Điều đó dẫn đến việc khó khăn trong thủ tục tố giác tội phạm, bảo vệ hiện trường, lưu giữ chứng cứ, dấu vết của vụ việc… làm căn cứ giải quyết vụ án. Thậm chí, họ còn bị những người không có chuyên môn, không có kinh nghiệm tư vấn sai hoặc bị đe dọa khiến không tiếp cận được với những người hiểu biết pháp luật, người có thể tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm hại tình dục nói chung, trẻ em nói riêng.
Tại hội thảo, các luật sư, luật gia, nhà báo đã thảo luận, chia sẻ về những khó khăn trong công tác xác minh, thu thập chứng cứ, thông tin, bảo vệ quyền của trẻ em; đưa ra các giải pháp phòng chống hành vi xâm hại trẻ em (nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường giáo dục kỹ năng giúp trẻ có khả năng nhận biết, phòng tránh và đấu tranh với các hành vi xâm hại)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.