Ngày 26-10, tại Hà Nội, Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Thách thức và giải pháp trong công tác hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục”.
Chia sẻ cùng các đại biểu, Giám đốc Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam Giang Thị Thu Thủy cho biết: Việc hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục có ý nghĩa quan trọng nhằm hạn chế tối đa các sang chấn. Thông qua sự kiện, Ban Tổ chức mong muốn trao đổi thông tin và thúc đẩy sự phối hợp trong công tác bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trải qua xâm hại tình dục, dựa trên pháp luật, phù hợp với tính văn hóa và nhạy cảm về sang chấn.
Theo Thạc sĩ Tô Thị Hạnh - Cố vấn chương trình Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn của Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam, qua thực tiễn hỗ trợ của tổ chức này đối với 39 trẻ em và 51 nạn nhân trên 18 tuổi bị xâm hại tình dục trong 5 năm qua, có thể thấy thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là cha, cha dượng, người quen biết của gia đình, hàng xóm, bạn quen qua mạng, bạn trai…
Bà Tô Thị Hạnh lưu ý hàng loạt tác động trước mắt của xâm hại tình dục tới đời sống của trẻ. Về thể chất, trẻ có nguy cơ bị mang thai ngoài ý muốn, sức khỏe suy nhược, khó ngủ, hay gặp ác mộng… Về tinh thần, trẻ thường bị rối loạn cảm xúc, căng thẳng, lo âu, hoảng sợ, xấu hổ, cảm giác có lỗi. Có trẻ bị đóng băng cảm xúc, có suy nghĩ muốn trả thù, thậm chí có ý định, hành vi tự tử…
Để ngăn chặn, giảm thiểu các nguy cơ này, Tổ chức Hagar quốc tế đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ, bao gồm: Tham vấn về quyền và pháp lý cho trẻ và gia đình, phòng ngừa tái sang chấn với trẻ trước, trong và sau khi trẻ tham gia vào quá trình y tế, pháp lý và quay trở lại trường học, thúc đẩy niềm tin vào công lý cho trẻ và gia đình thông qua các cuộc họp trao đổi giữa gia đình và chính quyền, nâng cao nhận thức về sang chấn với hệ thống hỗ trợ trẻ… Cùng với đó là các hoạt động sơ cứu tâm lý, nâng cao nhận thức và hỗ trợ các kỹ năng điều hòa cảm xúc, giúp trẻ hiểu các triệu chứng sang chấn, tham vấn nâng cao lòng tự trọng, giảm đổ lỗi và xấu hổ, giảm khủng hoảng gia đình và tăng kỹ năng hỗ trợ trẻ thông qua tham vấn cho người chăm sóc trẻ.
Các đại biểu thuộc Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)… đã cùng trao đổi nhiều ý kiến giá trị, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương. Họ cần có kỹ năng để giúp trẻ cảm nhận được sự an toàn trong không gian tiếp xúc, tạo được sự an tâm, để trẻ cảm thấy được bảo mật thông tin, không có sự phán xét, đổ lỗi, không bị ép buộc cung cấp thông tin… Nhờ đó, trẻ sẽ có niềm tin và có mối quan hệ kết nối với người trợ giúp, sẵn sàng chia sẻ với người hỗ trợ và kết nối được với bên thứ ba (công an, luật sư, bác sĩ, và kết nối lại với người chăm sóc). Trẻ tự tin hơn thông qua việc trẻ hiểu về quyền, lợi ích, và nhìn nhận hợp lý sau sự việc, giúp trẻ đi qua được quá trình y tế, pháp lý thuận lợi, hạn chế nguy cơ bị tái sang chấn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.