(HNM) - Từ mấy năm nay, dư luận theo dõi sát sao quá trình rà soát, đánh giá để xử lý 12 dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn nhưng không hiệu quả, gây thất thoát, đội vốn thuộc nhiều đơn vị chủ quản, mà chủ yếu thuộc ngành Công Thương.
Nguyên nhân có nhiều và cũng được đề cập nhiều lần, đã phân tích dưới nhiều góc độ. Vấn đề đặt ra là sự tuân thủ, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ của một số ngành chưa nghiêm, chưa có biện pháp cụ thể trong việc khắc phục tình trạng nói trên. Trước thực tế đó, mới đây Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình ngành chủ quản về vấn đề này. Đáng nói là, sự thiếu kiên quyết của ngành chức năng lại diễn ra trước sự mong mỏi, quan tâm sát sao của toàn xã hội và yêu cầu minh bạch, công khai các vấn đề kinh tế, nhất là hiệu quả hoạt động kinh tế của doanh nghiệp nhà nước; yêu cầu chống lãng phí, tham nhũng; cũng như yêu cầu tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, tranh thủ thời gian để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong phần lớn dự án thua lỗ nói trên, có doanh nghiệp nêu ý kiến là cần cấp thêm vốn để "vực" dự án “dậy”. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề trái ngược với quan điểm của Chính phủ là không cấp thêm vốn cho dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả. Nói cách khác, Chính phủ quyết tâm thực hiện cải cách, nâng cao hiệu quả quản trị theo định hướng công bằng, minh bạch, hợp lý, không bao cấp.
Áp dụng cơ chế quản lý nghiêm khắc, nhưng sẵn sàng tạo điều kiện để các chủ đầu tư dự án, bên tham gia các dự án có điều kiện nghiên cứu, tìm phương án khắc phục bên cạnh việc kiên định nguyên tắc kiểm tra, quy trách nhiệm đối với từng đơn vị, cá nhân liên quan, kể cả chấp nhận cho phá sản đối với dự án không còn khả năng tồn tại... là hướng đi đúng đắn. Kiên định theo nguyên tắc này, các dự án mới thực sự phát huy hiệu quả, tránh được chuyện cứ phải "hồi sức tích cực" mà dự án vẫn "thoi thóp".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.